Cần kiểm soát chặt các điểm du lịch tự phát
Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày đã tạo cơ hội không thể tốt hơn cho ngành du lịch.
Người người, nhà nhà kéo nhau đến các điểm vui chơi, khu du lịch trong và ngoài tỉnh để tham quan, nghỉ ngơi. Ước tính dịp này, ngành du lịch cả nước đón khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Riêng tại Gia Lai, lượng khách du lịch trong dịp này là khoảng 88.290 lượt; tổng doanh thu du lịch ước đạt 20,6 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là những con số đáng mừng, cho thấy ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ kể từ sau đại dịch Covid-19.
Thời tiết 3 miền Bắc-Trung-Nam trong suốt kỳ nghỉ lễ đều nắng nóng, có nơi lên đến 42 độ C. Với điều kiện thời tiết cực đoan như vậy, nhiều gia đình, du khách có xu hướng chọn những điểm “tránh nóng” tại các vùng biển hoặc nơi gần sông suối, ao hồ. Cũng từ đây, những điểm du lịch tự phát hình thành. Bên cạnh ý nghĩa phục vụ nhu cầu “giải nhiệt” của người dân thì những điểm du lịch tự phát này cũng tiềm ẩn không ít nguy hiểm. Bãi tắm trải rộng trên dòng sông Pô Cô (đoạn chảy qua xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) những ngày qua trở thành điểm vui chơi của hàng ngàn du khách trong huyện và các địa phương lân cận. Mực nước không quá sâu, lại có nhiều cây xanh, nơi đây nhanh chóng trở nên hút khách. Tuy nhiên, cách đó không xa, khúc sông này có chỗ khá sâu và nguy hiểm. Ngày 30-4, 3 người trong một nhóm đi chơi tại đây đã tử vong do đuối nước. Cùng ngày, 1 thanh niên đi câu cá tại khu vực này cũng trượt chân bị nước cuốn trôi. Thi thể nạn nhân được tìm thấy vào ngày hôm sau. Cũng trong kỳ nghỉ lễ, 1 du khách đã tử vong do đuối nước khi vui chơi tại khu du lịch tự phát gần suối Nước Lạnh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Được biết, tận dụng khung cảnh thiên nhiên hữu tình của con suối, một số hộ dân góp tiền đầu tư xây dựng nhiều chòi tre hai bên bờ suối để đón khách đến vui chơi. Lãnh đạo huyện Quảng Ninh cho biết, khu vực này không nằm trong phạm vi cấp phép hoạt động du lịch.
Xu hướng du lịch xanh, du lịch trải nghiệm lên ngôi khiến nhiều thác, ghềnh, sông, suối được khám phá và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Phần lớn các điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút du khách đều nhờ vào một vài người đi trước khám phá, review trải nghiệm. Gia Lai cũng không ngoại lệ khi nhiều con thác, đoạn sông, suối đẹp được khám phá, giới thiệu. Hầu hết các điểm đến này đều còn rất hoang sơ, chưa được đầu tư đường giao thông bài bản, chưa được cấp phép khai thác dịch vụ phục vụ du khách tham quan cũng như chưa có hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cần thiết. Hiểu theo hướng tích cực, đây chính là hoạt động mang tính tiền đề cho du lịch tại địa phương sở hữu cảnh quan đẹp. Nhưng xét ở khía cạnh khác, sự phát triển ồ ạt không có kiểm soát, quản lý điểm đến của cơ quan chức năng cũng dẫn đến nguy cơ mất an toàn, không đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Và thường thì cho đến khi xảy ra sự cố, tai nạn, cơ quan chức năng mới bắt tay vào cuộc, tăng cường quản lý, bố trí lực lượng túc trực nhằm đảm bảo an toàn, thậm chí cấm không cho người dân, du khách đến vui chơi tại thắng cảnh đó nữa.
Vì thế, việc nắm bắt các điểm đến cũng như nhanh chóng có biện pháp, phương án kiểm soát, đảm bảo an toàn ngay từ đầu cho người dân và du khách đến vui chơi là trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng giữa các ngành trong việc quy hoạch, kiểm soát, đề ra phương hướng phát triển cho những điểm đến như vậy. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý cụ thể đối với những trường hợp cố tình vi phạm nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, giám sát điểm đến tự phát, hạn chế rủi ro. Ngoài ra, bản thân mỗi người dân, du khách trước khi tham quan, trải nghiệm tại một điểm đến mới cũng cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cũng như dự lường các tình huống có thể xảy ra để phòng tránh, đảm bảo an toàn cho bản thân.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/can-kiem-soat-chat-cac-diem-du-lich-tu-phat-post276009.html