Cần kiểm soát cung cầu thịt lợn dịp Tết Nguyên đán
Những ngày gần đây, giá thịt lợn trên thị trường liên tục tăng từ mức gần 70 nghìn đồng lên đến 85 nghìn đồng/kg. Mặc dù mức giá thịt lợn chưa cao như đỉnh điểm của đợt tăng giá năm 2020 nhưng chưa có dấu hiệu chững lại. Trong khi nguồn cung thịt lợn tươi sản xuất nội địa, nhất là thịt lợn phục vụ nhu cầu... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những ngày gần đây, giá thịt lợn trên thị trường liên tục tăng từ mức gần 70 nghìn đồng lên đến 85 nghìn đồng/kg. Mặc dù mức giá thịt lợn chưa cao như đỉnh điểm của đợt tăng giá năm 2020 nhưng chưa có dấu hiệu chững lại. Trong khi nguồn cung thịt lợn tươi sản xuất nội địa, nhất là thịt lợn phục vụ nhu cầu làm giò, gói bánh chưng dịp Tết đang hiếm dần khiến không ít tiểu thương và người tiêu dùng đều băn khoăn.
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, từ đầu tháng 1-2021, giá thịt lợn thương phẩm bắt đầu tăng và liên tục “nhảy” với tốc độ khá nhanh. Đến thời điểm hiện tại, giá lợn hơi ở mức 85 nghìn đồng, tương ứng với đó, giá thịt lợn từ 130-180/kg. Lượng thịt ít hơn hẳn so với trước đây; cơ cấu thịt cũng không đủ (hầu hết thịt nạc mông, thịt thủ, lưỡi, tai, chân giò được nhà hàng giữ lại làm giò phục vụ Tết). Chị Trần Thị Hà, kinh doanh thịt lợn tại chợ Văn Miếu (thành phố Nam Định) cho biết: Hiện thịt lợn hơi tăng 15 giá so với thời điểm cách đây nửa tháng nên rất khó mua. Giá lợn hơi cân tại chuồng đã lên đến 85 nghìn đồng/kg, mà cũng không có sẵn lợn để lựa chọn. Vì thế mà cứ vài ngày giá bán lẻ thịt lợn tại chợ lại tăng, khiến việc buôn bán hiện rất khó khăn... Anh Phạm Xuân Dũng, chủ hộ nuôi lợn quy mô lớn ở xã Yên Lợi (Ý Yên) cho biết: Mấy ngày nay thương lái liên tục hỏi mua lợn nhưng gia đình không có để bán. Sau dịch bệnh, gia đình đã đăng ký với chính quyền địa phương tái đàn, đảm bảo nuôi theo quy trình an toàn nhưng để phòng dịch nên số lượng nuôi không nhiều. Hiện tại trong chuồng chỉ còn vài chục con nhưng đã có người đặt mua đợi bắt dần để thịt. Gia đình chưa dám tái đàn vì đợi xuất hết đàn, thực hiện các bước tiêu độc, khử trùng theo đúng quy trình chăn nuôi an toàn mới mong tránh khỏi dịch bệnh. Không chỉ anh Dũng mà nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng không còn lợn bán trong dịp Tết này. Đặc biệt, hầu hết các hộ dân chăn nuôi tự phát, không khai báo với chính quyền địa phương và chưa thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn đã không còn lợn do bị mắc dịch tả lợn châu Phi đợt tháng 10, 11 năm 2020. Thịt lợn tăng giá, kéo theo các mặt hàng chế biến từ nguồn nguyên liệu này như giò, chả, mọc, xúc xích, ruốc... cũng tăng giá theo. Tiêu biểu như giò nạc, trước đây loại có pha trộn, giá bán từ 130-150 nghìn đồng/kg, nay tăng lên 170-190 nghìn đồng/kg, loại ngon tăng lên 200-250 nghìn đồng/kg nhưng cũng không dễ mua. Cùng với đó, các loại mọc, ruốc, chả, nem, xúc xích... cũng đều tăng giá thêm từ 30-50 nghìn đồng 1kg so với trước đây. Với người tiêu dùng, áp lực tăng giá thịt lợn chưa hẳn lớn bởi “đã dần quen” từ đợt dịch bệnh tả lợn châu Phi năm ngoái, hoặc có thể sử dụng các loại thực phẩm khác như thủy, hải sản, thịt bò, thịt gà… cho bữa ăn hàng ngày cũng như ngày lễ, Tết. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng thịt lợn làm nguyên liệu, các làng nghề chế biến giò, chả, nem chua cũng lao đao theo giá thịt và việc khan hiếm thịt trên thị trường. Tại làng nghề chế biến giò truyền thống xã Yên Bình (Ý Yên), chị Trần Thị Yên cho biết: Ngoài việc làm giò thường nhật, Tết đến là thời điểm làm ăn lớn nhất trong năm của chúng tôi bởi không chỉ cung ứng cho người dân trong vùng mà khách hàng ở các huyện, các tỉnh lân cận cũng đến đặt giò làm theo phương pháp thủ công. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi thường tập trung các “cánh thợ” làm 5-7 tạ giò. Năm nay, nguyên liệu làm giò không những đắt mà còn khan hiếm. Từ mùng 10 tháng Chạp chúng tôi đã không dám nhận đơn hàng bởi không có nguyên liệu đạt chuẩn để làm giò đúng cách giã tay truyền thống. Hiện tôi chỉ nhận giã lấy công cho những khách hàng chủ động được nguồn nguyên liệu thịt lợn. Chị Yến cho biết thêm: Giò giã theo lối truyền thống phải chuẩn từ khâu chọn thịt. Mỗi con lợn chỉ hớt được 2 tảng nạc mông, giã ngay khi thịt còn nóng, giã tới khi thịt dẻo, quánh không còn dính đầu chày mới đem ra gói. Do đó chúng tôi không sử dụng được thịt lợn nhập khẩu hay trữ đông để làm giò theo phương pháp truyền thống.
Nguyên nhân của việc thịt lợn tăng giá cao và khan hiếm vào thời điểm này trước hết do quy luật thị trường trước Tết 1-2 tháng, nhu cầu thịt cho chế biến thực phẩm sẽ tăng mạnh, đây cũng là dịp giá lợn hơi tăng mạnh nhất trong năm. Nguồn lợn hơi nội địa khan hiếm do nhiều cơ sở chăn nuôi tái đàn không thành công trong khi nguồn lợn hơi nhập khẩu từ Thái Lan cũng đang ngưng trệ do hiện nay giá lợn hơi tại nguồn nhập khẩu cũng tăng tới hơn 70 nghìn đồng/kg, không chênh lệch nhiều so với giá lợn trong nước, chưa kể chi phí nhập khẩu. Mặt khác, trải qua quãng đường vận chuyển dài khiến trọng lượng hao hụt nhiều, chất lượng thịt kém do lợn bị suy nhược, va đập, cắn nhau gây nên vết bầm dập, mất thẩm mỹ và quy trình đưa ra thị trường lâu do phải thực hiện các biện pháp cách ly dịch bệnh, nuôi dưỡng vỗ béo. Đặc biệt, nguồn cung thịt lợn trong nước khan hiếm, lợn nhập khẩu ít hiệu quả, chi phí cao, người dân không quen dùng nhưng vẫn có một lượng lớn thịt lợn nội địa xuất sang Trung Quốc do giá bán cao hơn thị trường trong nước.
Dự báo thời gian tới, giá thịt lợn tươi, sản xuất nội địa tiếp tục tăng. Điều này gia tăng khó khăn cho ngành chức năng trong công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát an toàn thực phẩm các sản phẩm thịt lợn tươi sống và sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Thực tế đó đòi hỏi các ngành, cơ quan chuyên môn cần có những giải pháp trước mắt để cân đối mức giá, lượng hàng hóa cung - cầu ngay trong dịp Tết Nguyên đán. Về lâu dài cần giám sát chặt chẽ dịch bệnh không để tái dịch; hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi tiếp tục tái đàn... từ đó đảm bảo nguồn thực phẩm từ thịt lợn cung cấp cho người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương