Cần kiểm soát tốt bệnh nền để phòng ngừa đột quỵ
Các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị đột quỵ cảnh báo, thời điểm cuối năm, bắt đầu từ khoảng tháng 11-12 đến đầu năm sau là thời điểm số ca bệnh đột quỵ tăng cao.
Nhiệt độ xuống thấp là một trong những yếu tố thúc đẩy gia tăng bệnh nhân đột quỵ. Các bác sĩ lưu ý người dân cần chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt phải kiểm soát tốt các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu… (nếu có) để phòng ngừa bệnh đột quỵ.
Số bệnh nhân gia tăng
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện tăng gấp rưỡi so với cách đây vài tháng. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 1-3 bệnh nhân đột quỵ.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, ngày nào cũng có bệnh nhân đột quỵ nhập viện cấp cứu, trung bình từ 5-7 ca. Các bệnh nhân có thể từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên hoặc được người nhà trực tiếp đưa đến bệnh viện.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã can thiệp thành công, cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân P.V.C, 43 tuổi, ngụ thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch. Ông C. nhập viện với các triệu chứng nói ngọng, méo miệng, yếu liệt nửa người bên phải. Qua thăm khám và từ kết quả chụp MRI não cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu não bán cầu trái và tắc đoạn cuối động mạch não giữa bên trái. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định can thiệp mạch máu não lấy huyết khối cho bệnh nhân. Sau gần 2 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca can thiệp và bệnh nhân hồi phục tốt.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Thái, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất nói, rất may là bệnh nhân vào viện sớm nên có thể can thiệp lấy huyết khối. Nếu bệnh nhân nhập viện trễ, nguy cơ bị liệt, để lại di chứng rất cao.
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị cho từ 50-70 bệnh nhân bị đột quỵ. Có những bệnh nhân bị đột quỵ sau khi tắm đêm, nhưng cũng có nhiều trường hợp chưa kịp xối giọt nước nào lên người. Một số ca đột quỵ xảy ra khi đang ăn cơm, khi đang buộc dây giày, cắt trái mít, cắn một trái ổi, hoặc sau khi nhận được một tin nhắn lúc nửa đêm. Thậm chí, có những trường hợp đột quỵ sau khi ngủ dậy vào buổi sáng sớm mà chưa kịp làm gì…
“Bệnh đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa, không chỉ đối với đàn ông mà cả phụ nữ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ 4 người trưởng thành thì 1 người có nguy cơ bị đột quỵ. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại” – bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200 ngàn ca bệnh đột quỵ mới. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Theo thống kê của các cơ sở điều trị đột quỵ, khoảng 71% bệnh nhân đột quỵ không thể tiếp tục công việc trước đó, 31% bệnh nhân cần chăm sóc hàng ngày, 20% bệnh nhân cần trợ giúp khi đi lại và 16% cần chăm sóc lâu dài.
Bệnh nền không được kiểm soát tốt là nguyên nhân chính gây đột quỵ
Lý giải vì sao thời tiết thay đổi lại khiến cho số ca bệnh đột quỵ tăng cao, bác sĩ Nguyễn Đình Quang cho rằng, trời lạnh chỉ là yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh đột quỵ, không phải là yếu tố chính khiến bệnh đột quỵ gia tăng.
Theo bác sĩ Quang, thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng đều có thể gây ra các tác động đến sự co giãn quá mức của hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn với những bệnh nhân lớn tuổi, người có nhiều bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu mà không được kiểm soát tốt.
Có nhiều bệnh nhân bị cao huyết áp nhưng không biết mình bị bệnh nên không uống thuốc để điều trị bệnh hoặc uống thuốc không đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Ở nam giới, việc lạm dụng quá nhiều bia rượu, chất kích thích trong khi cơ thể đang có bệnh nền khiến nguy cơ đột quỵ, tử vong do đột quỵ ngày càng cao.
Để phòng ngừa bệnh đột quỵ, bác sĩ Quang khuyến cáo những người có bệnh nền cần biết và hiểu rõ về tình trạng bệnh của mình. Từ đó uống thuốc điều trị thường xuyên để kiểm soát tốt bệnh nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp vì huyết áp có thể bị đâỷlên rất cao trong thời tiết thay đổi khi chuyển mùa.
Bên cạnh đó, cần chú ý giữ ấm cho cơ thể, nhất là vào ban đêm và đầu sáng, khi thời tiết xuống thấp. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe. Những ai đang hút thuốc lá thì nên bỏ thuốc lá, tránh lạm dụng rượu bia, chất kích thích, có chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, cá, hạn chế ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh…
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã triển khai gói tầm soát khám bệnh nhồi máu cơ tim và gói khám tầm soát khám bệnh đột quỵ nhằm giúp người dân địa phương có cơ hội tầm soát, phòng ngừa bệnh đột quỵ.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ, đột quỵ và nhồi máu cơ tim có thể tấn công sức khỏe của bất kỳ ai một cách ngẫu nhiên và đôi khi không có dấu hiệu báo trước nào. Do vậy, việc tầm soát nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim là rất cần thiết để có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, giúp người dân có thể kịp thời điều chỉnh lối sống phù hợp. Qua đánh giá, bác sĩ sẽ có những lời khuyên cũng như phác đồ điều trị bệnh kịp thời nếu người dân có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, tránh các biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra.