Cần kiên quyết xử lý vi phạm hành lang công trình thủy lợi
Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vi phạm về lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện kịp thời dẫn đến việc khó giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Căn nhà của ông Phạm Hồng Thái ở thôn Cốc Sâm 2, xã Phong Niên xây trên hành lang của suối.
Hộ ông Phạm Hồng Thái ở thôn Cốc Sâm 2, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng) đã xây căn nhà 2 gian ngay phía trên kè suối trong khu vực. Được biết, UBND xã Phong Niên đã lập 2 biên bản vi phạm về việc xây dựng của gia đình ông Phạm Hồng Thái. Biên bản ngày 1/6/2022 do ông Hoàng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Phong Niên lập khi kiểm tra phát hiện gia đình ông Phạm Hồng Thái đang xây dựng công trình trái phép trên một phần đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Khi đó, UBND xã Phong Niên đề nghị gia đình tạm dừng việc xây dựng và hoàn thiện các thủ tục về đất theo quy định. Phần diện tích xây dựng lấn chiếm, xã yêu cầu gia đình trả về hiện trạng sử dụng đất và nếu cố tình xây dựng, xã sẽ cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.
Ngày 24/6, UBND xã Phong Niên tiếp tục lập biên bản đối với hộ ông Phạm Hồng Thái về việc xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước và hành lang bảo vệ công trình thủy lợi tại mảnh đất trên. Tại thời điểm này, công trình nhà của gia đình ông Thái đã xây thô bằng gạch, chưa lợp mái với chiều dài 7,8 m, rộng 7,3 m. UBND xã đã yêu cầu hộ ông Phạm Hồng Thái dừng xây dựng và tháo dỡ công trình, trả lại hành lang, bảo vệ nguồn nước và công trình thủy lợi.
Tuy nhiên, sau 2 lần lập biên bản của UBND xã, hộ ông Phạm Hồng Thái vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thiện căn nhà trên. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Đức Chủ tịch UBND xã Phong Niên cho biết, UBND xã đang vận động gia đình ông Thái tự tháo dỡ phần công trình vi phạm nói trên.
Dư luận tại địa phương lại cho rằng, chính quyền đã 2 lần lập biên bản bắt dừng xây dựng và tháo dỡ vi phạm, nhưng hộ gia đình vẫn hoàn thiện căn nhà. Vậy giải pháp vận động của chính quyền địa phương liệu có hiệu quả? Câu hỏi này xin nhường lại cho UBND xã Phong Niên và UBND huyện Bảo Thắng.
Công trình vi phạm tại xã Bản Qua vẫn chưa được tháo dỡ.
Tại xã Bản Qua (huyện Bát Xát), 1 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống có tên “Cường Thịnh” cũng xây nhà trên mương thủy lợi của xã. Qua kiểm tra, UBND huyện Bát Xát đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, đến nay, công trình này vẫn tồn tại và chỉ tháo dỡ một phần mái lá cọ phía trên tầng 2 của khu nhà sàn bê tông.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Ba Duy, Chủ tịch UBND xã Bản Qua cho biết, từ năm 2022, chính quyền tạo điều kiện để gia đình xây dựng và chuyển hoạt động kinh doanh sang khu vực mới, sau đó sẽ tháo dỡ. Tuy nhiên, dù đã chuyển sang cơ sở mới từ cuối năm 2022, nhưng đến nay, hộ này vẫn chưa tháo dỡ công trình vi phạm.
Toàn tỉnh hiện có 107 hồ chứa nước thủy lợi; 22 hệ thống công trình đập dâng, kênh dẫn liên xã; 143 hệ thống công trình đập dâng, kênh dẫn trên địa bàn một xã, mỗi công trình gồm nhiều đập dâng, kênh dẫn chuyển nước độc lập; tổng chiều dài kênh dẫn là 4.810 km, trong đó có 3.759 km đã được kiên cố hóa, còn lại 1.050 km kênh mương đất nhỏ lẻ; đầu mối thủy lợi tổng có 2.616, đã kiên cố 1.876 đầu mối.
Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý 7 trường hợp vi phạm (huyện Bát Xát 3 trường hợp, huyện Mường Khương 3 trường hợp và huyện Bảo Thắng 1 trường hợp).
Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã ban hành Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Quy định chỉ rõ phạm vi vùng phụ cận và vùng cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi, từ đó giúp xác định vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi để triển khai bảo vệ.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, đa số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh là loại nhỏ, không phải thực hiện cắm mốc giới hạn phạm vi; việc xác định phạm vi bảo vệ công trình đã được khoanh định trên bản đồ địa giới hành chính do UBND cấp xã quản lý. Hiện nay, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi tại nhiều địa phương vẫn diễn ra. Do đó, đề nghị các địa phương cần tăng cường hơn việc kiểm tra, xử lý, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trong bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi.
Ngày 14/4/2023, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1642 về việc tăng cường công tác quản lý, khai thác, xử lý vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố cần vào cuộc quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã rà soát phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi được giao quản lý theo phân cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi bằng nhiều hình thức để các tổ chức, cá nhân biết thực hiện đúng quy định. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn được phân cấp quản lý; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.