Cần kiện toàn chính sách cho phát triển năng lượng sạch
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên cho rằng, Việt Nam ít có công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hoặc công ty về năng lượng có đủ hạ tầng, vận chuyển. Việc thuyết phục doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng sạch cũng là thách thức với Việt Nam.
Tọa đàm “Cơ sở hạ bền vững và giao thông xanh” diễn ra sáng 19/12 trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng. Những trí tuệ xuất chúng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển xanh sẽ chia sẻ về các phương pháp tiếp cận mới để sản xuất, truyền tải và lưu trữ năng lượng bền vững. Các chuyên gia cũng sẽ trao đổi về vai trò của các loại vật liệu mới hiện nay, đồng thời đánh giá về các chính sách và nỗ lực phát triển xanh trên thế giới.
Ở khía cạnh chính sách, các nhà nghiên cứu đã chia sẻ, thảo luận về vai trò của hợp tác quốc tế trong thúc đẩy và triển khai công nghệ bền vững.
Theo Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) và Giáo sư Khoa Hóa học và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ), hiện nay chính sách cho phát triển năng lượng xanh vẫn chưa sẵn sàng. Do đó, Việt Nam cần có một nền tảng bền vững, cần có các diễn đàn để kết nối và kiện toàn về chính sách.
Giáo sư Daniel Kammen cũng cho rằng, đây không phải là câu chuyện ở Việt Nam mà diễn ra ngay cả California.
“Điện mặt trời chúng tôi dư thừa nhưng chính sách chưa kiện toàn để được hòa điện lưới. Vấn đề là khung pháp lý phải rộng mở hơn”, Giáo sư Daniel Kammen nói.
Ông dẫn chứng, California ngày trước đã đặt mục tiêu 1 triệu tấm pin mặt trời áp mái nhưng cũng thấy là mục tiêu xa vời, nhưng hiện nay đã làm được. Sử dụng điện mặt trời có chi phí rẻ hơn sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng 24/7 cho người dân.
Về hạ tầng, các nước vẫn đang đi chậm. Do đó, chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa tăng cường hơn nữa phát triển hạ tầng. Các nước cần phải chứng minh cho Chính phủ thấy cần hành động ra sao về chính sách, lợi ích từ công nghệ xanh là gì. Ngoài ra cũng phải kết nối về mặt kinh doanh ra sao.
Theo Giáo sư Sir Kostya S.Novoselov, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture và Giáo sư Giáo sư Thế kỷ Tan Chin Tuan tại Đại học Quốc gia Singapore (Singapore), thế giới cần phải đầu tư năng lượng xanh khi chuyển từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện, đầu tư nhiều hơn vào phần vận chuyển kết nối để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn.
Trong hành trình tìm năng lượng mới, có nhiều nơi đầu tư vào phương tiện chạy điện và nhiều giải pháp thay thế khác. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các năng lượng thay thế này đòi hỏi chi phí lớn để phát triển công nghệ mới. Ngoài ra, để phát triển năng lượng sạch cần nhiều biện pháp khác như trồng rừng giúp hấp thu khí thải, biến đổi gene động thực vật để cân bằng phát thải…
"Phát thải bằng 0 hay phát triển bền vững là chủ đề quan trọng nhưng tốc độ cũng quan trọng không kém. Việc này không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn đầu tư và hạ tầng. Về hạ tầng, hiện nay việc sản xuất, lưu trữ, cung ứng nhiên liệu, liệu đã sẵn sàng chưa. Thí dụ, làm sao để ở một trạm xăng có tất cả loại hình nhiên liệu để tiếp nhận năng lượng cho người dùng", Giáo sư Sir Kostya S.Novoselov chia sẻ.
Giáo sư Sir Kostya S.Novoselov cũng nhấn mạnh, hiện tại là thời điểm sôi động để phát triển vật liệu mới để sản xuất ra pin nhiên liệu. "Hiện có nhiều công trình nghiên cứu về màng lọc nhiên liệu hay dùng các chất xúc tác để tách nhiên liệu từ nước hoặc nước biển. Đây cũng là các nhiệm vụ phức tạp nhưng hấp dẫn. Các nhà khoa học đang vượt qua giới hạn trong nghiên cứu và tốc độ phát triển nghiên cứu đang rất nhanh chóng", chuyên gia này cho hay.
Sau 3 mùa giải VinFuture, số lượng các đề cử tăng gấp 3 lần (1.389) cho thấy uy tín và tầm vóc của Giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho VinFuture.