Cần làm gì để bóng đá Đông Nam Á vươn tầm?
Bóng đá Đông Nam Á tuy có những tiến bộ nhất định thời gian qua nhưng vẫn chưa thể tiệm cận trình độ nhóm đầu châu lục.
Đâu là nguyên nhân và các đội bóng Đông Nam Á cần làm gì để thoát khỏi cái danh “vùng trũng” của bóng đá thế giới?
Chới với khi ra biển lớn
Trong số các đội tuyển ở khu vực Đông Nam Á tham dự Vòng loại thứ hai World Cup 2022, chỉ có Việt Nam, Thái Lan và Malaysia còn cơ hội đi tiếp. Tuy nhiên, ngay cả khi vượt qua vòng loại thứ 2, cơ hội tạo nên bất ngờ của những đội bóng này cũng rất nhỏ. Đội tuyển Việt Nam đang là nhà đương kim vô địch Đông Nam Á, từng gây tiếng vang tại Asian Cup 2019 (vào tứ kết) cũng chỉ dám đặt mục tiêu có mặt ở vòng loại thứ 3.
Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2018, đội tuyển Thái Lan khi đó vừa hai lần liên tiếp vô địch Đông Nam Á đã phải nhận những thất bại liên tiếp. Sau 10 trận đấu, đoàn quân xứ Chùa vàng chỉ giành được 2 điểm, đứng bét bảng B, đồng thời cũng là đội có ít điểm nhất (Qatar đứng cuối bảng A với 7 điểm).
Tính ra, trong quá khứ, khu vực Đông Nam Á chỉ có duy nhất Indonesia từng dự World Cup (năm 1938). Tuy nhiên, khi đó đội bóng xứ Vạn đảo tới sân chơi danh giá nhất hành tinh với tư cách thuộc địa của Hà Lan. Rõ ràng, World Cup vẫn là giấc mơ xa vời cho những người yêu bóng đá Đông Nam Á.
Tại giải Vô địch châu Á, sau năm 1972 về thứ ba, người Thái phải đợi 47 năm để vượt qua vòng bảng tại Asian Cup 2019. Dẫu vậy, đội bóng có biệt danh “voi chiến” cũng sớm dừng bước trước Trung Quốc. Với Việt Nam, Asian Cup 2019 cũng mới là lần thứ 2 trong lịch sử đoàn quân áo đỏ vượt qua vòng bảng (lần đầu năm 2007).
Bóng đá Đông Nam Á những năm gần đây có bước tiến nhất định nhờ sự đầu tư mạnh mẽ. Ngoài thành tích lọt vào vòng loại cuối World Cup 2018 của Thái Lan hay đi tới tứ kết Asian Cup 2019 của Việt Nam, cầu thủ Thái Lan và Việt Nam xuất ngoại nhiều hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam và Myanmar giành vé dự U20 World Cup hay U23 Việt Nam đoạt ngôi Á quân Giải U23 châu Á 2018.
Thế nhưng, nhìn tổng thể, Việt Nam và các quốc gia cùng khu vực vẫn thua kém các quốc gia Tây Á, Đông Á. Bình luận viên Ngô Quang Tùng không bất ngờ trước thực trạng này và cho rằng, bóng đá Đông Nam Á còn thiếu quá nhiều điều kiện để phát triển.
“Thứ nhất, đào tạo trẻ ở khu vực còn manh mún. Không nói đâu xa, ngay Việt Nam chúng ta cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay được vài trung tâm đạt chuẩn như PVF, Viettel hay HAGL. Phần còn lại đều làm theo kiểu bản năng. Thế nên, sau lứa Quang Hải, chúng ta đang cho thấy lỗ hổng về lực lượng. Thái Lan có vẻ làm tốt nhất nhưng bản thân họ cũng chưa đạt kết quả như ý. Thứ hai, bóng đá Đông Nam Á thiếu tầm nhìn chiến lược. Các đội bóng năm này qua năm khác chỉ lo vô địch AFF Cup hay SEA Games, không chú trọng tới các kế hoạch dài hơi để hướng tới đấu trường lớn hơn. Việt Nam kể từ sau Giải U23 châu Á đã thay đổi cách nhìn nhưng về cơ bản vẫn đặt nặng đấu trường khu vực hơn châu lục. Malaysia gần đây cũng đã chuyển mình còn người Thái ôm mộng vươn tầm từ vài năm trước nhưng vẫn cần thêm thời gian. Nhật Bản và Hàn Quốc đã mất một thời gian dài mới có được vị thế vững chắc như ngày nay nên bóng đá Đông Nam Á đương nhiên không thể vội vàng”, ông Tùng nêu ý kiến.
Cựu danh thủ Dương Hồng Sơn có chung nhận định và lấy ví dụ: “Hãy nhìn sang Nhật Bản, Hàn Quốc, hệ thống các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của họ nhiều như nấm sau mưa. Bóng đá học đường cũng cực kỳ phát triển. Nói chung họ sở hữu một nền tảng cực kỳ vững vàng để liên tục tạo ra những cầu thủ tài năng. Nhờ vậy cả hai quốc gia này liên tục góp mặt tại World Cup. Ngôi Á quân U23 châu Á 2018 khiến chúng ta lầm tưởng mình đã mạnh. Nhưng thực tế cho thấy, đào tạo trẻ ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở vật chất cũng vậy, thử tìm cả nước may ra được 1-2 sân bóng tàm tạm chứ chưa nói tốt. Sân bãi như vậy cầu thủ sao đá tốt được”.
Cần làm gì để nâng tầm?
Bình luận viên Ngô Quang Tùng khẳng định, muốn nâng tầm, bóng đá Đông Nam Á trước tiên cần phải lên được lộ trình dài hạn chứ không thể nói suông: “Lộ trình này sẽ phải có những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Ví dụ như bao nhiêu năm lọt top 10 châu Á, bao lâu để vươn tới top 5, bao lâu để có mặt ở World Cup. Nên nhớ, những mục tiêu này phải sát với thực tế, có cơ sở thực hiện chứ không phải đặt ra cho vui”.
“
Bóng đá Đông Nam Á ngoài việc đặt trọng tâm vào công tác đào tạo trẻ thì cần giải quyết những bài toán sau: Thứ nhất là phát triển cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu. Thứ hai là nâng cao chất lượng các giải đấu trong nước và định hướng xây dựng kế hoạch tổ chức của các giải thuộc hệ thống thi đấu trong nước phù hợp với hệ thống thi đấu của AFF, AFC và FIFA. Thứ ba là phải có sự đầu tư quyết liệt để nâng cao thành tích thi đấu cho các đội tuyển trẻ, làm sao để có thể thường xuyên tham dự Vòng chung kết các giải đấu của AFC nhằm tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho các cầu thủ.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VFF, Chủ tịch Ủy ban thi đấu AFC
”
Cũng theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, sau khi lên được lộ trình, bóng đá Đông Nam Á cần tập trung vào việc cải thiện chiều cao, sức chịu đựng của cầu thủ. “Sở dĩ các đội bóng trong khu vực ra đấu trường lớn thường thất bại là do thua thiệt về thể hình, sức mạnh. Không có hai yếu tố này, tư duy chiến thuật cũng sẽ hạn chế. Ngược lại, khi bạn đã khỏe mạnh, chơi bóng chắc chắn đường nét hơn. Muốn đạt được điều này thì đào tạo trẻ phải chuẩn mực từ khâu tuyển chọn đến dinh dưỡng, huấn luyện”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh thêm, bóng đá Đông Nam Á có thể nhập tịch cầu thủ, kêu gọi kiều bào về chơi bóng cho quê hương nhưng đó không phải là cách làm bền vững, chỉ giải quyết được bài toán thành tích nhất thời. “Quan trọng nhất là cần bền bỉ, tạo nền tảng tốt, khi có nền tảng tốt thì mọi thứ tự nhiên sẽ đi lên. Khi nào các quốc gia Đông Nam Á liên tục được dự World Cup trẻ, tiến sâu ở các giải châu Á cho lứa trẻ thì khi đó đội tuyển quốc gia mới hi vọng vươn lên top đầu châu Á”, ông Tùng nói.
Về phần mình, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn hiến kế: “Bóng đá Việt Nam có Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede làm rất tốt nhưng lại chưa được khai thác hết khả năng, như vậy rất phí. Ngoài việc hoạch định cho các đội tuyển, VFF nên để ông Gede vạch ra hướng đi cho các CLB, ngay từ khâu đào tạo trẻ. Bóng đá Thái Lan những năm gần đây có rất nhiều chuyên gia nước ngoài tới làm việc và trong tương lai các đội bóng Đông Nam Á cần tăng cường việc mời chuyên gia từ các nền bóng đá phát triển. Ngoài ra, các CLB, các trung tâm đào tạo cũng nên liên kết đào tạo với các CLB mạnh trên thế giới, học hỏi cách làm hay từ họ”.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VFF, Chủ tịch Ủy ban thi đấu AFC đặc biệt lưu ý, sự phát triển còn là kết quả tổng hợp và đồng bộ của rất nhiều yếu tố nữa như khả năng tài chính, các vấn đề về y học thể thao, các chính sách về cải thiện tầm vóc con người…
“Theo tôi, điều quan trọng nhất là mỗi quốc gia phải xây dựng được lộ trình phát triển một cách phù hợp nhất với điều kiện riêng của mình, kết hợp với sự hỗ trợ từ FIFA, AFC cũng như từ mối quan hệ hợp tác với các quốc gia có nền bóng đá phát triển để qua đó từng bước đi đến mục tiêu cuối cùng”, ông Tuấn kết luận.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-lam-gi-de-bong-da-dong-nam-a-vuon-tam-d462272.html