Cần làm gì để không bỏ lỡ 'thời cơ vàng' của du lịch Việt Nam?
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đều đồng tình nếu có sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì giai đoạn mở cửa toàn bộ du lịch tới đây sẽ là 'thời cơ vàng' để phục hồi.
Việc Chính phủ chính thức dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế từ sau ngày 15/2 cũng như quyết định mở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3 là thời cơ cho ngành du lịch sớm lấy lại đà phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới.
Cơ hội là vậy, nhưng liệu rằng sau một thời gian dài bị COVID-19 “quật” cho “liêu xiêu,” ngành du lịch Việt cần làm gì, thay đổi ra sao để gượng dậy trong giai đoạn tới… là những nội dung được “mổ xẻ” tại buổi tọa đàm “Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam,” vừa diễn ra chiều nay (18/2).
Nhiều chính sách mới sẽ được triển khai
Trên lộ trình mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến việc nối lại các thị trường khách quốc tế cùng chính sách thị thực trong giai đoạn mới.
Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch) vừa qua cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425%.
Vì vậy, để "đón lõng" thời cơ này, ông Nguyễn Quý Phương-Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết Việt Nam sẽ áp dụng nhiều biện pháp mới như áp dụng visa điện tử, miễn thị thực đơn phương, song phương. Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sẽ có ý kiến báo cáo Chính phủ.
“Ngoài ra, việc yêu cầu kết quả xét nghiệm COVID-19 cũng được nới lỏng hơn. Hiện tại, khi nhập cảnh qua đường hàng không, khách quốc tế sẽ được áp dụng cả hai phương pháp xét nghiệm: Kết quả PCR có giá trị trong 72h, test nhanh có giá trị trong 24h. Du khách quốc tế sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, giống như điều kiện của khách nội địa,” ông Phương cho hay.
Du khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và đường biển chỉ cần test ngay tại cửa khẩu, có kết quả âm tính là được nhập cảnh. Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng sẽ triển khai phương pháp này.
Lãnh đạo Vụ Lữ hành cũng giải đáp thắc mắc về những thay đổi và khác biệt trong các quy định về lộ trình mở cửa du lịch lần này so với các chương trình thí điểm. Đầu tiên là các địa phương sẽ căn cứ vào mức độ an toàn và kết quả phòng chống dịch để triển khai mở cửa du lịch. Khách du lịch cũng được mở rộng đối tượng là tất cả các khách nội địa lẫn quốc tế.
Tất cả các địa phương trên cả nước cũng sẽ được mở cửa đón khách. Điều kiện đón khách du lịch sẽ bám sát vào tiêu chuẩn về phòng chống dịch theo Bộ Y tế. "Ngoài ra, tất cả các cửa khẩu đã sẵn sàng đón khách. Trước đây chúng ta chỉ đón khách qua đường không nhưng giờ sẽ mở cửa hết các cửa khẩu cả trên đường bộ và đường biển. Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng cũng ủng hộ quyết định mở cửa các cửa khẩu và sẵn sàng đón khách," ông Phương cho hay.
Không để lỡ “thời cơ vàng”
Bày tỏ quan điểm từ phía doanh nghiệp, ông Phạm Hà, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Lux Group, đơn vị chuyên cung ứng dịch vụ tàu biển, du thuyền cho rằng Việt Nam mở cửa du lịch như vậy là chậm so với các nước trong khu vực, nên rất cần sự kết nối, tập trung vào các thị trường cụ thể.
Theo ông Hà, nếu mở cửa từ tháng Ba thì từ tháng 4-6 sẽ có thể đón nhiều khách nước ngoài, trong đó cần tập trung vào thị trường châu Âu, Australia là dòng khách có thói quen đi du lịch vào mùa này. Ông Hà cũng cho biết nhiều khách của Lux Group sau nhiều lần hoãn, hủy vì dịch bệnh đã đăng ký trở lại sau thông tin Chính phủ Việt Nam mở cửa toàn bộ du lịch từ 15/3.
“Có trở thành 'thời cơ vàng' hay không sẽ tùy thuộc vào cam kết của Chính phủ, chính quyền địa phương, sự kết nối, tập trung vào từng thị trường cụ thể,” ông Hà bày tỏ.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch, ông Đinh Ngọc Đức chia sẻ: “Tôi sang dự hội thảo du lịch Dubai Expo, họ rất quan tâm tới những sản phẩm du lịch của chúng ta. Điều quan trọng chúng ta cần làm là quảng bá, đẩy mạnh truyền thông hơn nữa.”
Theo ông Đức, thời gian tới đơn vị này xác định vẫn tập trung quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường “truyền thống” như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu..., đặc biệt các nước thừa nhận hộ chiếu vaccine.
Bàn về giải pháp thu hút khách quốc tế trở lại cho doanh nghiệp Việt, đồng tình với quan điểm của lãnh đạo ngành du lịch, Tổng giám đốc F5 Travel, bà Hoàng Thị Liên kiến nghị cần tập trung vào việc quảng bá du lịch, đặc biệt là các địa danh như Bình Định.
Theo bà Liên, du lịch nước nhà vẫn chưa định vị được giá trị riêng có và Bình Định là một điểm đến còn quá mới so với khách quốc tế. Chính vì vậy, Tổng dục Du lịch, các cơ quan truyền thông nên có biện pháp truyền thông cụ thể và “đánh thẳng" vào từng thị trường quốc tế.
Bà Liên đưa ra ví dụ, du lịch Bình Định khi nhắm tới thị trường Đài Loan có thể mời đài truyền hình hoặc nhân vật nổi tiếng từ quốc gia này tới địa phương để quay chương trình. Điều này sẽ giúp có được sản phẩm quảng bá hiệu quả và đến thẳng du khách.
“Đây là cách chúng tôi đã làm với Hà Nội hay Phú Quốc, sau khi chương trình được phát trên giờ vàng tại Đài Loan đạt hiệu quả cao, ghi dấu ấn trong lòng du khách. Bình Định có thể áp dụng cách này để hướng đến từng thị trường,” bà Liên chia sẻ.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ khách sạn, ông Vũ Văn Thanh nhận định du lịch hai năm đình trệ gây ra hiện tượng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu hụt lao động. Do đó, vấn đề của các địa phương, doanh nghiệp là làm sao sẵn sàng có chất lượng sản phẩm tương ứng đáp ứng nhu cầu du khách.
“Không nên quá lo lắng và cần có kế hoạch chuẩn bị trước. Với các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú nên chủ động rà soát lại cơ sở vật chất. Những người quản lý phải chủ động xem xét, thích ứng tùy theo tín hiệu thị trường, tùy theo sự mở cửa dần để sửa chữa, nâng cấp. Cơ quan nhà nước nên phối hợp với các doanh nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương xây dựng chương trình chuẩn, đảm bảo chất lượng du lịch,” ông Thanh nhấn mạnh./.