Cần làm gì để ngập úng không trở thành 'đặc sản' của các đô thị lớn?

Ngập úng đô thị đang trở thành vấn đề nhức nhối không chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn lan rộng đến các thành phố như Đà Nẵng, Đà Lạt (cũ), Lào Cai (cũ). Việt Nam cần làm gì để ngập úng không trở thành 'đặc sản' của các đô thị lớn?

Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kết cấu Hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có những chia sẻ thú vị với Báo Xây dựng về nguyên nhân gốc rễ, cũng như giải pháp trước mắt lẫn lâu dài nhằm khắc phục tình trạng này.

Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kết cấu Hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng). Ảnh: Kế Toại

Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kết cấu Hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng). Ảnh: Kế Toại

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế

Thưa ông, tình trạng ngập úng đô thị không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn lan rộng đến các đô thị nhỏ hơn như Đà Nẵng, Đà Lạt, Lào Cai. Ông có đánh giá thế nào về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Ông Tạ Quang Vinh: Tình trạng ngập úng đô thị hiện nay là vấn đề phức tạp, xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn với cường độ và tần suất cao, gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước.

Mặt khác, hệ thống thoát nước tại nhiều đô thị lớn còn thiếu đồng bộ và hiệu quả thấp, thiếu sự kết nối giữa hệ thống thoát nước giữa các khu vực trong cùng đô thị với hệ thống tiêu thoát nước thủy lợi, lưu vực sông. Việc đầu tư chủ yếu theo dự án nhỏ, cục bộ, không theo quy hoạch tổng thể. Mưa lớn cực đoan xảy ra thường xuyên, quá tải hệ thống cũ vốn thiết kế cho lưu lượng nhỏ hơn…

Về nguyên nhân chủ quan, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Nhiều đô thị chưa xác định được cao độ nền và cốt khống chế, dẫn đến ngập úng cục bộ. Việc thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch thoát nước được duyệt còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa.

Ngoài ra, ý thức bảo vệ hệ thống thoát nước của cộng đồng chưa cao, với các hành vi như xả rác, lấp bịt ga thu nước, làm giảm khả năng tiêu thoát của hệ thống…

Vậy theo ông, đâu là những khó khăn, hạn chế lớn nhất trong việc giải quyết ngập úng đô thị hiện nay?

Ông Tạ Quang Vinh: Khó khăn lớn nhất là sự thiếu đồng bộ trong hệ thống thoát nước, đặc biệt ở các đô thị phát triển nhanh. Nhiều hệ thống thoát nước đã cũ, không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại. Công tác quy hoạch chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng quy hoạch còn thấp, đặc biệt là việc xác định cao độ nền. Một số dự án đầu tư thoát nước chậm triển khai hoặc thiếu kết nối với hệ thống thủy lợi, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Ngập úng đô thị đang trở thành vấn đề nhức nhối tại các đô thị lớn. Ảnh: Văn Thương.

Ngập úng đô thị đang trở thành vấn đề nhức nhối tại các đô thị lớn. Ảnh: Văn Thương.

Điều này làm năng lực tiêu thoát nước của các đô thị chưa được cải thiện, năng lực không đáp ứng được sự gia tăng về cường độ mưa, tần suất mưa thay đổi do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thoát nước còn hạn chế, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng mạng lưới đường cống thu gom, công trình trạm bơm nước mưa công suất lớn, hồ điều hòa ngầm - nổi để điều tiết tại các địa phương là rất lớn. Khả năng thu hút được nguồn vốn xã hội hóa cho lĩnh vực thoát nước không cao vì thoát nước là dịch vụ công ích. Nếu không có cơ chế giá phù hợp thì rất khó có thể tạo ra được sức hút cho nhà đầu tư PPP bỏ kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.

Ý thức cộng đồng cũng là một vấn đề, khi hành vi xả rác hay lấp kênh mương vẫn phổ biến, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.

Rà soát, lập bản đồ ngập úng tại các đô thị lớn

Trước những bất cập như ông vừa chia sẻ, Bộ Xây dựng đã triển khai những biện pháp gì để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

Ông Tạ Quang Vinh: Bộ Xây dựng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cả về chính sách lẫn thực tiễn. Chúng tôi đã ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị để đáp ứng những yêu cầu về sự thay đổi vật liệu, thiết bị và công nghệ mới và thích ứng với biến đổi khí hậu như: TCVN 7957: 2023 "thoát nước - mạng lưới bên ngoài và công trình - yêu cầu thiết kế" thay thế TCVN 7957:2008 "thoát nước - mạng lưới bên ngoài và công trình - tiêu chuẩn thiết kế"; QCVN 07-2:2023/BXD, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật - công trình thoát nước.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang rà soát, sửa đổi QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó yêu cầu về quy hoạch cao độ nền và hệ thống thoát nước.

Hàng năm, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; lập bản đồ cảnh báo ngập úng, thông báo tới người dân, đồng thời ưu tiên xử lý các điểm ngập cục bộ, đặc biệt ở khu vực đô thị trung tâm và các khu dân cư có hệ thống thoát nước xuống cấp.

Đặc biệt, Bộ đang chủ trì xây dựng dự án Luật Cấp, Thoát nước, một bước tiến quan trọng để thể chế hóa các định hướng về kiểm soát ô nhiễm nước thải và chống ngập đô thị.

Về tiến độ thực hiện, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ hồ sơ dự án Luật Cấp, Thoát nước tại Tờ trình số 07/TTr-BXD ngày 23/01/2025 và tháng 3/2025, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến "Chính phủ đồng ý lùi thời hạn trình dự án Luật Cấp, Thoát nước". Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông báo rút nội dung Luật Cấp, Thoát nước ra khỏi chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Một tuyến đường tại TP Đà Nẵng ngập sâu sau mưa lớn. Ảnh: Đào Văn.

Một tuyến đường tại TP Đà Nẵng ngập sâu sau mưa lớn. Ảnh: Đào Văn.

Dự kiến tháng 6/2026, dự án Luật tiếp tục đưa vào chương trình kỳ họp tiếp theo sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, một số luật khác liên quan điều chỉnh dẫn đến nội dung dự thảo Luật Cấp, Thoát nước cũng cần thay đổi, trong đó thay đổi lớn nhất là cần quy định các điều khoản trong Luật, theo hướng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thay vì 3 cấp như trước đây.

Dự án Luật Cấp, Thoát nước - khung pháp lý căn cơ

Có thể nói Luật Cấp, Thoát nước đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề ngập úng đô thị, ông có thể chia sẻ thêm về dự án Luật này?

Ông Tạ Quang Vinh: Dự án Luật Cấp, Thoát nước là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý đồng bộ và hiệu quả các hoạt động thoát nước và xử lý nước thải. Luật sẽ tạo khung pháp lý rõ ràng, thống nhất, giúp các địa phương triển khai các dự án hạ tầng thoát nước một cách bài bản, đồng thời thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội. Đặc biệt, dự án luật sẽ đề xuất các cơ chế hỗ trợ đầu tư công trình chống ngập cục bộ, cũng như các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo hệ thống thoát nước phát triển bền vững, phù hợp với tốc độ đô thị hóa.

Dự án Luật Cấp, Thoát nước thuộc dự án luật mới và được nghiên cứu lần đầu đang chịu tác động trực tiếp việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Sau khi hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Cấp, Thoát nước báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội năm 2026-2031.

Cuối cùng, ông có thông điệp gì gửi đến người dân và các địa phương trong nỗ lực giảm ngập úng đô thị?

Ông Tạ Quang Vinh: Giải quyết ngập úng đô thị là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư. Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ hệ thống thoát nước, hạn chế xả rác bừa bãi, không lấp kênh mương hay ga thu nước, không lấn chiếm ao hồ, kênh rạch; đổ chất thải đúng quy định. Phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm gây cản trở hoạt động thoát nước chống ngập.

Với các địa phương, cần chủ động rà soát quy hoạch, ưu tiên nguồn lực đầu tư vào hạ tầng thoát nước, và phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để triển khai các giải pháp đồng bộ. Chỉ khi có sự chung tay từ tất cả các bên, chúng ta mới có thể giảm thiểu và tiến tới khắc phục triệt để tình trạng ngập úng đô thị.

Xin cảm ơn ông!

Kim Thoa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/can-lam-gi-de-ngap-ung-khong-tro-thanh-dac-san-cua-cac-do-thi-lon-192250715144557497.htm