Cần làm gì để trẻ hết táo bón do dị ứng trứng, sữa?
Do trẻ bị táo bón, bố mẹ đã đổi qua 3 loại sữa công thức, nhưng tình trạng của trẻ không cải thiện. Sau đó, trẻ xuất hiện tình trạng nổi mẩn ngứa, ban đỏ rải rác toàn thân, tập trung nhiều vùng mặt và quanh miệng.
Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ (TP Hà Nội) vừa tiếp nhận trẻ 8 tháng tuổi, tại Hà Nội đến thăm khám do táo bón kéo dài. Thăm khám ban đầu, trẻ có nổi mẩn ngứa, ban đỏ rải rác toàn thân, tập trung nhiều vùng mặt và quanh miệng.
Theo chia sẻ của gia đình, trẻ bú mẹ hoàn toàn đến tháng thứ 4, bắt đầu dùng song song sữa công thức và sữa mẹ, được ăn dặm ngày 2 bữa với đủ nhóm thực phẩm. Trẻ bắt đầu có biểu hiện táo bón từ tháng thứ 4, tần suất đại tiện khoảng 5-7 ngày/ lần, phân cứng, lổn nhổn giống phân dê. Trong 5 tháng nay, trẻ hay nổi mẩn đỏ toàn thân, tập trung nhiều ở vùng mặt, miệng.
Trước tình trạng bất thường đó, bố mẹ đã đổi qua 3 loại sữa công thức, nhưng tình trạng của trẻ không cải thiện nên được gia đình đưa đi khám.
ThS.BS Trần Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ cho biết, để truy tìm nguồn gốc gây táo bón, trẻ được tư vấn làm thêm xét nghiệm 14 dị nguyên dị ứng sữa, trứng và đậu phộng. Kết quả xét nghiệm này của trẻ có dương tính với các dị nguyên sữa bò, lòng trắng trứng.
Cần làm gì để hết táo bón do dị ứng trứng sữa?
Theo số liệu thống kê, có tới 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn, trong đó, tỷ lệ dị ứng đạm sữa bò 2.1-12.6%.
Dị ứng thức ăn là các phản ứng xảy ra sau ăn do đáp ứng bất thường của hệ miễn dịch với thành phần của thức ăn, có thể thông qua IgE, không IgE hoặc phối hợp cả hai.
Các thực phẩm gây dị ứng ở trẻ thường gặp là sữa, trứng, đậu phộng...
ThS.BS Trần Kim Ngọc lưu ý, nếu cha mẹ đã biết con dị ứng với loại thức ăn nào cần loại bỏ ngay ra khỏi chế độ ăn để tránh tình trạng dị ứng tái đi tái lại. Hoặc nếu trẻ có tiền sử dị ứng thức ăn thì khi ăn thức ăn mới cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, nhất là những thức ăn dễ gây dị ứng.
Trường hợp của trẻ 8 tháng tuổi này, sau khi có chẩn đoán xác định là dị ứng trứng sữa, được bác sĩ kê đơn điều trị và tư vấn bé cần dừng sữa công thức, đồng thời chuyển sang sử dụng sữa thủy phân hoàn toàn, nếu ăn trứng chỉ sử dụng lòng đỏ. Sau 2 tuần điều trị và điều chỉnh chế độ ăn, trẻ đã cải thiện tình trạng táo bón, hết nổi mẩn đỏ.
BS Ngọc cho biết thêm, khoảng 80% trẻ em sẽ hết dị ứng sữa bò khi được 3 đến 5 tuổi và khoảng 70% trẻ em bị dị ứng trứng sẽ khỏi bệnh ở tuổi 16. Vì vậy, có thể kiểm tra lại tính chất dị ứng trứng, sữa sau một khoảng thời gian ngừng sử dụng.
Khi bị dị ứng thức ăn, trẻ em gặp phải các triệu chứng lâm sàng bất thường như biểu hiện da (nổi mề đay, viêm da cơ địa, phù mạch), rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, táo bón), hô hấp, toàn thân… Tuy nhiên, các dấu hiệu này dễ gặp phải trong nhiều bệnh lý nên dễ nhẫm lần, khiến người dân chủ quan.
Dị ứng thức ăn có thể đe dọa đến tính mạng như sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Vì vậy, Theo ThS.BS Trần Kim Ngọc lưu ý, khi thấy các dấu hiệu đó, người dân nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
“Những trường hợp trẻ rối loạn tiêu hóa kéo dài, cha mẹ cần nghĩ tới nguyên nhân dị ứng thực phẩm để cho con thăm khám, tìm chính xác nguyên nhân”, BS Ngọc cho biết.