Cần làm rõ ai đã đẩy nhà giáo vào thảm cảnh 'nước mắt chan cơm'?
Cơ quan chức năng cần xem xét làm rõ, khôi phục ngay chế độ chính đáng cho nhà giáo và xử lý thích đáng những người cố ý làm trái quy định pháp luật.
Sau loạt bài phản ánh về những nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận đã bị chặn chế độ một cách bất nhẫn khiến họ phải uất ức tìm tới nhờ sự trợ giúp của truyền thông thì huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) mới có động thái điều nghiên vụ việc.
Sau những cuộc họp hỏa tốc của các cấp, các nhành có liên quan của chính quyền địa phương, ngày 11/10/2019, tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận đã nhận được “Thông báo khẩn” qua hệ thống email nội bộ ngành, do ông Trần Thanh Tùng, chuyên viên phụ trách công tác tổ chức Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận gửi, với nội dung:
“Để tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, đề nghị thủ trưởng các đơn vị rà soát lại các đối tượng đang giữ chức danh nghề nghiệp là giáo viên (có mã số V.07 . . .) nhưng do phân công làm nhân viên nên chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Lập danh sách (theo mẫu) gửi cho đồng chí Tùng bằng văn bản (đồng thời gửi qua Email đồng chí Tùng), hạn cuối ngày 14/10/2019. Đề nghị thủ trưởng các đơn vị quan tâm thực hiện”.
Chắc chắn rằng rồi đây những nhà giáo đã và đang trong hoàn cảnh mất chế độ sẽ được khôi phục lại theo đúng quy định của pháp luật.
Nhưng, câu hỏi ai đã đẩy nhà giáo vào thảm cảnh “nước mắt chan cơm” một cách tàn nhẫn suốt những năm dài cũng phải cần được giải đáp.
Ngày 20/11/2015, căn cứ Nghị định 54/2011/NĐ-CP về chế độ thâm niên nhà giáo, liên Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH để sửa đổi một số nội dung về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo tại Thông tư 68/2011/BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH.
Nội dung được sửa đổi tại Thông tư 29 này về đối tượng được hưởng chế độ cụ thể như sau:
“Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật)”. (Khoản 1, Điều 1)
Đồng thời, ngày 25 tháng 10 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo như sau:
“Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07)”.
Từ tài liệu Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thu thập được, tất cả các nhà giáo bị chặn chế độ thâm niên và ưu đãi đều thuộc ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07)”.
Như vậy, quy định pháp luật hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo đã rõ ràng, tường minh nhưng ngành giáo dục Vĩnh Thuận lại đưa ra lý do “phân công làm nhân viên nên chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nhà giáo” là việc làm mang tính “cố ý” không thực thi theo quy định pháp luật (?)
Quy định nào cho phép ngành giáo dục Vĩnh Thuận “phân công nhà giáo làm nhân viên”?
Theo phản ánh của những nhà giáo bị cắt chế độ, và từ hồ sơ họ đã cung cấp, nguyên nhân họ bị buộc phải làm “nhân viên” là vì ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận gần như đang bị “xóa trắng” nhóm vị trí nhân viên (tức là nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ -Tác giả).
Như đã biết, tất cả các nhà giáo bị chặn chế độ thâm niên và ưu đãi đều thuộc ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07)”.
Nay để lấp vào nhóm vị trí đang bị xóa trắng (nhóm nhân viên), ngành giáo dục Vĩnh Thuận đã bỏ qua các quy định pháp luật hiện hành, phân công nhà giáo trái vị trí việc làm và cắt đi chế độ chính đáng của họ là chưa đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, Luật viên chức 2010 quy định:
Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. (Khoản 1, Điều 7)
Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc sau: Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó; Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. (Khoản a, b, Điều 31)
Nhưng, thực tế tất cả các nhà giáo đã bị “phân công” vào nhóm vị trí nhân viên đều chưa được ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm vào vị trí chức danh việc làm tương ứng.
Và, theo tài liệu đã thu thập của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, những nhà giáo đang bị “phân công làm nhân viên” không ai có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh thuộc nhóm vị trí đó.
Đồng thời, Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định về việc phân công nhiệm vụ cho viên chức/ nhà giáo như sau:
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ và các chế độ, chính sách đối với viên chức.
Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm. (Khoản 1 ;2 ; Điều 25)
Nay, việc phân công nhiệm vụ cho những viên chức/ nhà giáo của ngành giáo dục Vĩnh Thuận đã không những không bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm, lại còn tùy tiện chặn chế độ chính đáng của nhà giáo, dẫn tới hệ lụy kéo dài và hiện tại là hậu quả nghiêm trọng khó tháo gỡ là một việc vi phạm pháp luật trầm trọng.
Cơ quan chức năng của địa phương cần phải nhanh chóng xem xét làm rõ, khôi phục ngay chế độ chính đáng cho nhà giáo và xử lý thích đáng những người cố ý làm trái quy định pháp luật là điều mà dư luận đang rất quan tâm, trông chờ.
Tài liệu tham khảo :
[1]//thukyluat.vn/vb/thong-tu-29-2015-ttlt-bgddt-bnv-btc-bldtbxh-che-do-phu-cap-tham-nien-nha-giao-48945.html
[2]//thukyluat.vn/vb/thong-tu-27-2018-tt-bgddt-che-do-phu-cap-uu-dai-nha-giao-giang-day-trong-co-so-cong-lap-612f5.html
[3] //thukyluat.vn/vb/luat-vien-chuc-2010-1c247.html
[4] //thukyluat.vn/vb/nghi-dinh-29-2012-nd-cp-tuyen-dung-su-dung-va-quan-ly-vien-chuc-21abf.html