Cần làm rõ những thiệt hại về kinh tế - xã hội do tác động của việc chậm trễ phê duyệt quy hoạch
Ngày 30/5, sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường.
Xây dựng kế hoạch thẩm định, phê duyệt với những giải pháp thật khoa học
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình kiến nghị với Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 quốc gia với các quy hoạch có liên quan.
Để có đầy đủ căn cứ thực hiện thu hồi đất, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh vì khối lượng công việc để thẩm định quy hoạch tỉnh là rất lớn.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thẩm định, phê duyệt với những giải pháp thật khoa học, chi tiết, cụ thể, trong đó giao rõ nhiệm vụ cho các Tổ công tác rồi đầu mối chịu trách nhiệm, cơ quan phối hợp, thời điểm hoàn thành từng đầu việc theo quy trình và cần thiết phải thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và có cơ chế để bảo đảm.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Huy còn nhấn mạnh, trong trung và dài hạn cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch, đặc biệt là kịp thời và đồng bộ với sửa đổi Luật Đất đai mà theo dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 sẽ được đưa vào xem xét bắt đầu từ Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Liệu có tình trạng sao chép quy hoạch hay không?
Đại biểu Vũ Xuân Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa bày tỏ băn khoăn khi nhiệm vụ lập quy hoạch là nhiệm vụ mới, khó và phức tạp nhưng cùng một lúc, có đơn vị tư vấn cho đến 21 tổ chức làm quy hoạch. Trong khi hiện nay chưa có đánh giá chất lượng quy hoạch. Đại biểu đặt vấn đề liệu có tình trạng sao chép quy hoạch hay không?
Bày tỏ đồng tình cao với kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các kiến nghị đã nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu Vũ Xuân Hùng cũng đã đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn để điều hành phát triển kinh tế - xã hội khi quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt:
Một là, cần tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến quy hoạch, cụ thể là các nội dung còn bất cập của Luật Quy hoạch và các văn bản đã ban hành có liên quan đến Luật Quy hoạch. Đồng thời, ban hành các hướng dẫn quy định có giải pháp xử lý các vướng mắc khi chưa sửa đổi Luật Quy hoạch bằng một nghị quyết của Quốc hội.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo tinh thần Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ cần ưu tiên chỉ đạo nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022 và quy hoạch vùng để định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội và làm cơ sở cho các địa phương lập quy hoạch tỉnh, thành phố. Đồng thời, đánh giá chất lượng một số quy hoạch đã được phê duyệt để nâng cao chất lượng và nâng tầm của quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ba là, xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ trong lập quy hoạch, như về lựa chọn tư vấn phải đủ năng lực, kinh nghiệm, phải có tư vấn phản biện độc lập, nghiên cứu bố trí nguồn lực ngoài vốn đầu tư công, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn thường xuyên để các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm sự chủ động. Việc điều chỉnh quy hoạch phải linh hoạt, mềm dẻo hơn so với quy định hiện hành.
Bốn là, cần sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Luật Quy hoạch và có lộ trình kế hoạch để sửa đổi Luật Quy hoạch. Đại biểu nhấn mạnh, Quốc hội cần thường xuyên giám sát thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, hằng năm Chính phủ phải có báo cáo với Quốc hội về việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Cần làm rõ những thiệt hại về kinh tế - xã hội do tác động của việc chậm trễ phê duyệt quy hoạch
Góp ý vào nội dung thảo luận, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, Báo cáo của Đoàn giám sát chưa chỉ ra được hậu quả việc chậm, không thực hiện mục tiêu công tác quy hoạch đặt ra vào ngày 31 tháng 12 năm nay, từ đó chưa chỉ ra được tác động của quy hoạch đối với nhiều công việc quan trọng của đất nước, của địa phương và các ngành.
Báo cáo cũng chưa quy kết trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ ban hành việc thi hành Luật Quy hoạch và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, đặc biệt là của cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt các cấp, ngành Trung ương và địa phương.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu rõ, Báo cáo giám sát chưa chỉ ra được mấu chốt của vấn đề đang tắc nghẽn trong việc thực hiện Luật Quy hoạch. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cần làm rõ những thiệt hại về kinh tế - xã hội do tác động của việc chậm trễ phê duyệt quy hoạch các cấp, từ đó nhận diện đúng đắn tình hình sửa đổi pháp luật, đề cao trách nhiệm cá nhân.
Đồng thời đề nghị trước mắt cần đánh giá tác động tích cực của Luật Quy hoạch để xử lý tốt quá trình chuyển tiếp của các dự án, đề án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của vùng, địa phương và các ngành. Đại biểu kiến nghị rà soát lại cán bộ để lựa chọn, đào tạo đội ngũ chuyên môn, am hiểu công tác quy hoạch để đưa việc quy hoạch ngày càng tốt hơn.
Cần có Nghị quyết giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch “treo”
Đóng góp ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội có một Nghị quyết để giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm ở các địa phương và có những đột phá về các chủ trương, chính sách để giải quyết tình trạng quy hoạch “treo”.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành giải quyết một số điểm quy hoạch treo nổi bật, kéo dài. Giải pháp thực hiện dựa trên các tiêu chí: Tính Hợp lý, khả thi và hài hòa các lợi ích.
Cần khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ: nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, các ý kiến phong phú, sâu sắc, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu đối với công tác quy hoạch; không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm và mang tính xây dựng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến có giá trị bổ sung cho những nhận định, đánh giá trong Báo cáo giám sát và góp ý kiến trực tiếp vào các nội dung của dự thảo Nghị quyết giám sát. Bên cạnh đó, ý kiến của các Bộ trưởng đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề về quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực được phân công.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước mắt cần khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, các giải pháp trong trung và dài hạn Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện các nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua…