Cần làm rõ xăng dầu 'thiếu thật' hay 'thiếu giả'

Trong phiên thảo luận ngày 28-10 kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đề nghị làm rõ vấn đề nguồn cung xăng dầu 'thiếu thật' hay 'thiếu giả' và cần nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn ĐBQH Điện Biên, chất vấn về vấn đề thiếu xăng dầu trong phiên họp ngày 28-10. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn ĐBQH Điện Biên, chất vấn về vấn đề thiếu xăng dầu trong phiên họp ngày 28-10. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhấn mạnh giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển.

Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị làm rõ vấn đề nguồn cung xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” và cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Dẫn chứng thêm, theo đại biểu Tạ Thị Yên, Việt Nam đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi đó, hai nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn và Bình Sơn hiện đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%, song thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TPHCM.

Nữ đại biểu cho rằng xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân, vì vậy giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, tác động tới tăng trưởng kinh tế và nhà nước sẽ thu được thuế, phí từ nền kinh tế.

“Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng, dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí cũng như làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan”, đại biểu đề xuất.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.

Giải trình chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lý giải, ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới là đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, giá dao động trong biên độ lớn, tỷ giá ngoại tệ thay đổi hàng giờ, thì nguyên nhân chủ quan trong nước, theo ông là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó tiếp cận với vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, room đã hẹp, điều kiện vay thanh khoản lại khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn, vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp.

Ông Diên cho rằng, trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời, nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu nên doanh nghiệp càng làm, càng lỗ và trong cơ chế thị trường, không ai ngoài quy luật cung cầu, quy luật giá trị và mục tiêu lợi nhuận quyết định được hành động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đã không tự cứu được mình để làm ăn có lãi thì cũng không thể có chiết khấu cho đại lý, cửa hàng bán lẻ, nên đã tạo ra sự đứt gãy nhất thời, cục bộ ở khâu bán lẻ một số nơi.

Để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ, hoặc có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được ở thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều dị biệt, ông Diên đề xuất, cần rà soát, cập nhật, phản ánh định mức, chi phí định mức, chi phí tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng, phân phối xăng dầu diễn ra một cách thuận lợi và lành mạnh.

Theo TTXVN, Quochoi.vn

TH

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-lam-ro-xang-dau-thieu-that-hay-thieu-gia/