Cần 'lấp' khoảng trống pháp lý trong tài trợ thương mại
Tài trợ thương mại - hoạt động cung cấp vốn lưu động cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu để giúp giảm thiểu các rủi ro thanh toán vốn có trong các giao dịch quốc tế. Việc này được đánh giá là rất quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng và các nhà xuất nhập khẩu mở rộng thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động này đang còn khoảng trống khá lớn.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận tài trợ thương mại
Một báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, tài trợ thương mại trong nước của Việt Nam không những chưa phổ biến mà còn có chi phí cao, phân tán và mới chỉ dừng ở việc cung cấp các nghiệp vụ cơ bản. Năm 2022, các ngân hàng tại Việt Nam chỉ tài trợ thương mại cho 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá 731 tỷ USD của cả nước.
Điều đáng chú ý là các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia thương mại trong khu vực hơn là các công ty đa quốc gia lớn tham gia thương mại toàn cầu. Nhiều công ty con của các công ty đa quốc gia trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao và giá trị lớn như điện tử và may mặc ít phụ thuộc hơn vào tài trợ thương mại, mà trong đó ngân hàng trong nước đóng vai trò trung gian.
Phát biểu tại hội thảo về tài trợ thương mại cho Việt Nam ngày 22/2, tại Hà Nội, ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, do tài trợ thương mại trong nước của Việt Nam hiện tập trung vào các nhà sản xuất trong nước, nên việc mở rộng phạm vi tài trợ thương mại sẽ không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN xuất nhập khẩu Việt Nam mà quan trọng hơn là thúc đẩy sản xuất, tăng cường hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và lan tỏa đồng đều hơn lợi ích của thương mại giữa các nhà sản xuất trong nước.
Tổng giá trị thương mại hàng hóa có thể tăng 55 tỷ USD/năm
Theo nghiên cứu của IFC và WTO, việc cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại với chi phí hợp lý có thể giúp kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm tương ứng 6% và 9%. Điều này đồng nghĩa với việc tổng giá trị thương mại hàng hóa có thể tăng thêm tới hơn 55 tỷ USD/năm.
Theo các DN xuất nhập khẩu, yêu cầu cao về tài sản thế chấp và quy trình thẩm định phức tạp là hai trong nhiều lý do chính khiến DN không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng. Về phía cung, trong năm 2022, các ngân hàng Việt Nam từ chối trung bình 12% số yêu cầu tài trợ thương mại, chủ yếu của các DN vừa và nhỏ (DNVVN), tương đương với khoảng 20,3 tỷ USD nhu cầu chưa được đáp ứng. Nguyên nhân từ chối được cho là do thiếu tài sản thế chấp và rủi ro tín dụng cao.
Lý giải nguyên nhân của thực tế trên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng không phân biệt quy mô DN, nhưng trong lĩnh vực tài trợ thương mại thì các DN lớn có khả năng tiếp cận tốt hơn, do có tiềm lực tài chính, uy tín, khả năng đáp ứng yêu cầu, kế hoạch kinh doanh ổn định, hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Còn các DNVVN thường khó tiếp cận hơn, do các điều kiện đáp ứng hạn chế hơn do tình hình tài chính không minh bạch rõ ràng, quản trị yếu kém nên các ngân hàng cũng “e dè” trong cung cấp các khoản tài trợ thương mại. Bên cạnh đó, các sản phẩm đảm bảo cũng như hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các DNVVN tiếp cận tài trợ thương mại từ các ngân hàng hay các tổ chức tín dụng cũng hạn chế hơn.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp mở rộng tài trợ thương mại cho các DN Việt Nam, nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu trong nước tăng cường giao thương quốc tế với sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các ngân hàng. Các chuyên gia của IFC và WTO khuyến nghị phát triển các công cụ mới như tài trợ chuỗi cung ứng và các dịch vụ số hóa sáng tạo để giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận.
Để làm được điều này, cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm giải quyết các yêu cầu về tài sản thế chấp, giao dịch số hóa, các điều kiện của ngân hàng trung ương và khung trách nhiệm giải trình. Báo cáo cũng đề xuất nâng cao nhận thức của các DNVVN và các nhà cung cấp trong nước về cách thức tiếp cận tài trợ thương mại.
Theo bà Nathalie Louat - Giám đốc Toàn cầu về tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng của IFC, cần tăng cường sự tham gia của DN trung tâm trong chuỗi cung ứng vào hoạt động tài trợ thương mại của các ngân hàng. Bà cũng nhấn mạnh vấn đề chia sẻ rủi ro với các ngân hàng trong hoạt động này. “IFC sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý để đưa ra giải pháp về chia sẻ rủi ro trong hoạt động tài trợ thương mại của các ngân hàng, giúp cho hoạt động này phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới” - bà Nathalie Louat khẳng định.
Từ góc độ của ngân hàng, ông Trần Long - Phó Tổng giám đốc BIDV, cho rằng việc cung cấp các khoản tài trợ thương mại trên cơ sở hóa đơn, hợp đồng… của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cho các DNVVN vẫn hạn chế cho yếu tố rủi ro, không minh bạch về báo cáo tài chính… của các DN này. Vì vậy các DN phải tự lớn lên, tự hoàn thiện hơn nữa, tuân thủ theo quy định của pháp luật để đáp ứng được các điều kiện vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, để cải thiện được tài trợ thương mại thì cần phải nâng cao hiểu biết của các DNVVN về năng lực, trình độ quản trị DN, cũng như truyền thông để các DN nắm bắt được các phương thức, hình thức tài trợ thương mại phổ biến được các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang cung ứng.
Về phía cơ quan Nhà nước, theo ông Long, còn nhiều hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện cho hoạt động tài trợ thương mại. Vì vậy, Nhà nước cần sớm hoàn thiện hàng lang pháp lý cho hoạt động này theo hướng khuyến khích các ngân hàng, tô chức tín dụng cung ứng nhiều hơn các sản phẩm tín dụng mà các nước tiên tiến đang áp dụng để thúc đẩy tài trợ thương mại phát triển hơn nữa.
Về phía ngân hàng, tổ chức tín dụng, ông Long cũng nhấn mạnh cần mạnh dạn đa dạng hóa, đưa vào cung ứng các sản phẩm tài trợ thương mại tiên tiến mà không cần dựa vào cơ chế cấp tín dụng, không cần phải dựa vào đánh giá tín dụng với DN mà dựa vào phương thức tiên tiến như dòng tiền, tài trợ cho hóa đơn,… Đồng thời, nên phối hợp với các công ty công nghệ fintech, các hãng bảo hiểm để đưa ứng dụng công nghệ vào, rút ngắn thời gian giao dịch, thực hiện đa kết nối giữa DN, hải quan, hãng tàu, ngân hàng… để minh bạch hóa hoạt động tài trợ thương mại, rút ngắn thời gian giao dịch…
3 giải pháp mở rộng tài trợ thương mại
Nghiên cứu của WTO và IFC cho thấy, có 3 giải pháp chính để mở rộng tài trợ thương mại cho những đối tượng cần nguồn vốn này.
Đầu tiên là phát triển và tăng cường hiểu biết cụ thể hơn về hệ sinh thái tài trợ thương mại ở các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển.
Giải pháp thứ hai cần phải làm là tăng cường hỗ trợ thương mại ở các nước thu nhập thấp thông qua tài trợ và bảo lãnh. Trong đại dịch Covid-19, các chương trình tài trợ thương mại của IFC đã cho phép nhiều ngân hàng trong nước hỗ trợ xuất nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiều hàng hóa thiết yếu khác tại những quốc gia mà các ngân hàng nước ngoài đã không còn hoạt động.
Trong năm tài chính vừa qua, IFC đã hỗ trợ 16 tỷ USD cho các dòng thương mại thiết yếu, thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức về rủi ro và những rủi ro trong thực tế khi cung cấp tài trợ thương mại ở các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển.
Giải pháp cuối cùng là thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.