Cần linh hoạt và thông thoáng

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa gửi tới Chính phủ 9 nhóm kiến nghị, trong đó, có nội dung đề nghị Chính phủ hỗ trợ tín dụng để công nhân không phải vay 'tín dụng đen'. Trên thực tế, đây là một vấn đề tồn tại khá lâu trong xã hội, nhất là sau đợt nghỉ dịch khi thu nhập của người lao động bị giảm sâu gây xáo trộn cuộc sống. Theo các chuyên gia, cần có chính sách tín dụng thông thoáng hơn để công nhân dễ dàng tiếp cận và không phát sinh cơ hội để kẻ xấu trục lợi từ những người lao động vốn đã rất khó khăn.

11% công nhân thường xuyên phải vay tiền sinh hoạt

Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam TS. Vũ Minh Tiến cho hay, với mức thu nhập như hiện nay, công nhân, người lao động đang có cuộc sống bấp bênh.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Theo đánh giá chung của Tổng Liên đoàn, có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hàng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh… Đáng lo ngại, việc vay nợ của công nhân không chỉ dừng lại ở việc vay các ngân hàng hay các nguồn tín dụng chính thống, nhiều tổ chức tín dụng đen núp dưới vỏ bọc huy động vốn, góp tài sản kinh doanh, cho công nhân vay lãi suất đến 1.000%/tháng.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết, có trường hợp lãi suất 90 - 100%/tháng, thậm chí lên tới 700 - 1.000%/tháng. Trong quá trình đó, tín dụng đen sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM. Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó, có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân.

Thượng tướng Lương Tam Quang cũng nhận định, thủ đoạn chính của các tổ chức tín dụng đen là cho vay không thế chấp, cho vay dưới hình thức huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh. Cách thức là dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp hoặc qua ứng dụng mạng xã hội với lãi suất cao bất thường.

Sớm ban hành thêm chính sách tín dụng

Các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa được Văn phòng Chính phủ gửi lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Trước tình trạng nhiều công nhân khó khăn, phải đi vay "tín dụng đen" để trang trải nhu cầu cuộc sống, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động để hạn chế tình trạng công nhân phải đi vay "tín dụng đen".

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi các quy định pháp luật để tạo thuận lợi cho tổ chức công đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; chỉ đạo các địa phương quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám, chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm giảm chi phí sinh hoạt cho đối tượng này.

Đồng thời, cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7 tới; sửa đổi pháp luật về bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi của người lao động cả khi đi làm, lúc về hưu để tránh tình trạng công nhân ào ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thông tin, hiện cả nước có khoảng 50 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, tăng nhẹ so với năm ngoái. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội rất cao, đến 95 - 97%, nhưng có một thực tế đáng lo ngại là đối tượng cần bảo đảm an sinh xã hội nhất, cần tham gia bảo hiểm xã hội nhất là người thu nhập thấp, người nghèo... lại không tham gia.

Nói về việc người lao động quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn TS. Vũ Minh Tiến nhận định, hàng triệu người lao động dù biết là thiệt thòi về sau nhưng vì cuộc sống quá khó khăn trước mắt nên đành rút, cũng vì lo sợ chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi và có thể thiệt thòi hơn về sau. Do đó, ông Tiến đề nghị cần tuyên truyền đúng đắn để cho người dân hiểu rõ về vấn đề này. Các cơ quan chức năng cũng cần thay đổi chính sách để bảo đảm an sinh, việc làm cho người lao động trong thời gian tới.

Tham mưu cho Chính phủ về vấn đề tín dụng cho người lao động, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, cần phân biệt rõ hai nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen hướng tới. Người dân có nhu cầu vay chính đáng như khám, chữa bệnh, chi phí sinh hoạt, cần được hỗ trợ và nhóm này thuộc trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp chính quyền. Tuy nhiên, đối với nhóm tìm đến tín dụng đen để cờ bạc, lô đề hoặc tham gia tệ nạn xã hội, cần "cơ quan chức năng phải trấn áp, dẹp bỏ kể cả cầu và cung".

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Tú cho rằng, để giải quyết, cần hoàn thiện tiếp hệ thống luật pháp để tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, không áp dụng điều kiện, thủ tục phức tạp. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh biện pháp công nghệ, tạo điều kiện cho người vay tiếp cận nguồn vốn; tăng cường cho ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo FE Credit (công ty tài chính thuộc ngân hàng VPBank) và Công ty thuộc HD Bank cam kết mỗi công ty có gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của công nhân.

Tùng Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/can-linh-hoat-va-thong-thoang-i291901/