Cần lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc cho một số vật liệu xây dựng

Việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng hay thúc đẩy một mô hình mới - công ty dịch vụ năng lượng ESCO đều góp phần sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường sống...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thảo luận tai hội trường ngày 28/5/2025, các đại biểu Quốc hội khẳng định, việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rất cần thiết, có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm chi phí xã hội nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

XÂY DỰNG LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGÀNH TIÊU TỐN NHIỀU NĂNG LƯỢNG NHẤT

Góp ý về bổ sung quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng trong dự thảo luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, chỉ rõ: xây dựng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất hiện nay. Theo Ngân hàng Thế giới, ngành này chiếm tới 36% tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu và gần 40% lượng phát thải CO2.

Ở Việt Nam, hơn 60% điện năng trong các công trình được dùng cho điều hòa và chiếu sáng, chủ yếu do sử dụng vật liệu xây dựng kém hiệu quả. Đại biểu dẫn chứng nhiều lần đi dự các hội thảo tại những tòa nhà hành chính, mặc dù bên ngoài trời rất mát nhưng bên trong tòa nhà vẫn mở máy lạnh. “Nếu dùng kính cách nhiệt tốt, có dán nhãn năng lượng chuẩn sẽ vừa tiết kiệm điện, vừa tránh lãng phí tiền”, đại biểu cho biết.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Xây dựng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất hiện nay.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Xây dựng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất hiện nay.

Theo đại biểu, các nước trên thế giới, EU, Mỹ, Singapore, Nhật Bản đều đã áp dụng dán nhãn năng lượng vật liệu xây dựng từ lâu, không những tiết kiệm năng lượng mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, khi triển khai quy định này tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi những khó khăn như thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia cho nhiều loại vật liệu, số lượng phòng thử nghiệm đạt chuẩn còn ít, chi phí thử nghiệm cao và cơ chế hậu kiểm còn yếu”.

Từ thực tế này, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện khi quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng. Theo đó, ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc cho một số vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện, như kính xây dựng, vật liệu xây dựng, vật liệu cách nhiệt.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng đối với vật liệu xây dựng đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế; xã hội hóa hoạt động thử nghiệm và cấp chứng nhận.

Đại biểu cũng kiến nghị quy định ứng dụng QRcode, nền tảng số trong sản xuất, kinh doanh loại vật liệu này để truy xuất nhãn năng lượng minh bạch, giúp người tiêu dùng không cần phải là kỹ sư nhưng vẫn có thể hiểu được sản phẩm mình đang dùng tốt đến đâu; đồng thời, có cơ chế hậu kiểm chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

“Nếu làm được những điều này, tôi tin việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng sẽ thực sự trở thành công cụ thúc đẩy ngành xây dựng phát triển bền vững, tiết kiệm và văn minh”, đại biểu đoàn Trà Vinh nhấn mạnh.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Cùng quan tâm nội dung tăng tính minh bạch trong dán nhãn năng lượng, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, nêu rõ: quy định về dán nhãn năng lượng và công khai thông tin là cần thiết nhưng thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, việc tuân thủ.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc kiểm tra định kỳ và xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ dán nhãn năng lượng, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử, cần có quy định cụ thể về việc công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng…

Dự thảo luật cũng đề cập đến giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi công nghệ Xanh, nhưng đại biểu cho rằng chưa có quy định cụ thể về việc hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế như Hiệp định Paris hoặc các cam kết tại Hội nghị COP. Do đó, “cần bổ sung điều khoản yêu cầu các cơ quan quản lý Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng xây dựng lộ trình cụ thể để đồng bộ hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức năng lượng với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng cam kết quốc tế và thu hút đầu tư xanh”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị.

NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH RÕ HƠN MÔ HÌNH KINH DOANH CỦA CÔNG TY DỊCH VỤ NĂNG LƯỢNG ESCO

Liên quan đến phát triển mô hình ESCO, Công ty dịch vụ năng lượng, đại biểu Trần Quốc Tuấn đồng tình việc giao Chính phủ xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển mô hình ESCO. “Đây là mô hình đôi bên cùng có lợi, bên sử dụng thì tiết kiệm chi phí điện năng, bên đầu tư thì có thêm lợi nhuận. Do vậy, nếu không sớm có cơ chế khuyến khích chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội lớn”.

Thực tế hiện thế giới có khoảng 25 quốc gia áp dụng thành công mô hình ESCO, xem đây là công cụ thị trường, trụ cột quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Ở Trung Quốc nhờ hỗ trợ tài chính và miễn thuế từ năm 1996 đến năm 2000, ngành ESCO đã có 6.000 doanh nghiệp tạo ra doanh thu hơn 82 tỷ USD, dẫn đầu toàn cầu và giúp giảm hơn 100 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Tại Hàn Quốc có trên 300 công ty ESCO hoạt động mạnh nhờ Quỹ tiết kiệm năng lượng của nhà nước. Ở EU và Hoa Kỳ có hợp đồng EPC chuẩn ưu đãi thuế và tín dụng xanh đi kèm kiểm toán độc lập rõ ràng, minh bạch, không giấy tờ.

Còn ở Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động theo mô hình này. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hiện còn thiếu hỗ trợ tài chính và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp ESCO, thiếu hệ thống đo lường, giám sát độc lập.

Do đó, đại biểu đề xuất Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thành lập quỹ tín dụng để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như dự thảo luật quy định. Quỹ cho phép doanh nghiệp ESCO được tiếp cận vốn và được bảo lãnh tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, miễn giảm thuế cho các dự án có hiệu suất cao, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đo lường xác minh quốc tế và xã hội hóa hoạt động giám sát, như vậy mới tạo được niềm tin cho thị trường.

Đại biểu khẳng định tiết kiệm năng lượng là nguồn thu vô hình và phát triển mô hình ESCO không chỉ vấn đề kỹ thuật mà còn là bước chuyển quan trọng trong tư duy quản lý và đầu tư.

Đại biểu Trần Văn Tuấn, đoàn Bắc Giang nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Văn Tuấn, đoàn Bắc Giang nêu ý kiến.

Cùng góp ý nội dung này, đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh sự cần thiết bổ sung quy định về Công ty dịch vụ năng lượng. Đây là mô hình kinh doanh mới, hiệu quả tại nhiều nước phát triển song ở Việt Nam, mô hình công ty này chưa phổ biến, hoạt động mang tính tự phát đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định về mô hình kinh doanh của Công ty dịch vụ năng lượng và hợp đồng hiệu quả, năng lượng như dự thảo luật còn chưa rõ, chưa phù hợp.

Phân tích cụ thể về mô hình kinh doanh của công ty, dự thảo luật quy định công ty dịch vụ năng lượng với mô hình kinh doanh là sử dụng các hợp đồng hiệu quả, năng lượng. Theo đại biểu, khi nói đến mô hình hoạt động của một công ty nào đó là nói đến cách thức tổ chức vận hành và quản lý các nguồn lực như nhân lực, tài chính, vật chất để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh.

Mỗi công ty có thể lựa chọn mô hình hoạt động khác nhau tùy theo lĩnh vực kinh doanh, quy mô và chiến lược phát triển như mô hình công ty mẹ, công ty con, mô hình bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, mô hình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho doanh nghiệp khác, năng lượng chỉ là công cụ pháp lý trong hoạt động kinh doanh, không nên coi đó là mô hình kinh doanh của công ty.

Vì vậy, “cần nghiên cứu quy định rõ hơn trong dự thảo luật về mô hình kinh doanh của công ty dịch vụ năng lượng hoặc giao cho Chính phủ quy định cụ thể”, đại biểu đề nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết nội dung này đã có định hướng trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng dẫn chứng, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 10 năm qua đã có khoảng 300 triệu USD từ các nguồn tài trợ và tín dụng khác nhau, nhưng chưa có cơ chế tập trung để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực này. Do đó, cần có một cơ chế tập trung, thống nhất để quản lý và sử dụng nguồn vốn đó và tiếp tục thu hút các nguồn lực tài chính cho hoạt động này.

Về cơ chế vận hành quỹ, Phó Thủ tướng cho biết ý kiến của cơ quan soạn thảo là quỹ sẽ vận hành theo nguyên tắc ủy thác nghiệp vụ tín dụng cho một ngân hàng. Về ý kiến của đại biểu đề nghị làm rõ thêm cơ chế hoạt động của quỹ, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ xây dựng một đề án chi tiết về việc thành lập, vận hành quỹ, bảo đảm quản lý nguồn vốn một cách hiệu quả và minh bạch.

Liên quan đến dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng và một số sản phẩm khác, theo Phó Thủ tướng, nội dung này hiện trong luật đã có cơ chế quản lý, nhưng cách làm có sự thay đổi.

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-lo-trinh-dan-nhan-nang-luong-bat-buoc-cho-mot-so-vat-lieu-xay-dung.htm