Cần loại bỏ những dạng 'giấy phép con' núp bóng thông tưCần loại bỏ những dạng 'giấy phép con' núp bóng thông tư

Số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong 11 tháng đầu năm 2019 giảm đáng kể so với những năm trước nhưng tác động của nó tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không vì thế mà nhẹ nhàng hơn, theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

 Theo VCCI, hàng loạt điều kiện kinh doanh, giấy phép con đã được bãi bỏ, đơn giản hóa nhưng cơ chế kiểm soát điều kiện kinh doanh mới ban hành lại đang bị bỏ ngỏ. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo VCCI, hàng loạt điều kiện kinh doanh, giấy phép con đã được bãi bỏ, đơn giản hóa nhưng cơ chế kiểm soát điều kiện kinh doanh mới ban hành lại đang bị bỏ ngỏ. Ảnh minh họa: TTXVN

Nuôi trùn quế có thể bị phạt 50 triệu đồng

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI), tại hội thảo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019" diễn ra ngày 26-12 cho hay, năm 2019 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Tính đến hết tháng 11-2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số 500 đến 800 thông tư của các năm trước đó. Đối với nghị định, hiện nay mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018, và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm 2017.

“Tuy nhiên, số lượng văn bản giảm không đồng nghĩa với việc tác động tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì thế mà nhẹ nhàng hơn”, ông Tuấn nói.

Lấy ví dụ về những văn bản quy phạm pháp luật cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, theo ông Tuấn, năm 2019, vẫn tồn tại một số quy định mang tính “chọn cho”, tức cho lĩnh vực nào cho phép mới được kinh doanh. Đây là hình thức văn bản pháp luật cũ, đi ngược lại với Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Ví dụ, Thông tư 01 về danh mục giống vật nuôi được sản xuất kinh doanh tại Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã bỏ quên một số loại động vật mà hiện nay nông dân vẫn đang nuôi và kinh doanh như trùn quế. Thậm chí, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi thì việc kinh doanh giống vật nuôi không có trong danh mục có thể bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Như vậy, rất nhiều cá nhân đang bán giống trùn quế hiện nay là vi phạm pháp luật và có thể bị phạt.

 Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại hội thảo - Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại hội thảo - Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Tăng độc quyền, giảm cạnh tranh

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, một trong những nguyên tắc khi xây dựng các chính sách kinh tế là thúc đẩy cạnh tranh, tăng cơ hội lựa cho người sử dụng dịch vụ hoặc mua bán hàng hóa và hạn chế tối đa nguy cơ để nảy sinh độc quyền. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng pháp luật trong năm 2019, quy tắc này vẫn chưa được nhiều cơ quan soạn thảo chú trọng, thậm chí có quy định còn làm trầm trọng thêm tình trạng độc quyền trên thị trường.

Lấy ví dụ, dịch vụ thông tin tín dụng là lĩnh vực rất tiềm năng tại Việt Nam, nhưng hiện nay mới chỉ có….một công ty thông tin tín dụng được thành lập. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là các điều kiện pháp lý để xin phép thành lập công ty thông tin tín dụng quá khó khăn và cao một cách bất hợp lý tại Nghị định 10/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, đáng kể nhất là quy định công ty thông tin tín dụng phải được ít nhất 15 ngân hàng cam kết cung cấp thông tin và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định về hoạt động thông tin tín dụng, trong đó vẫn duy trì quy định trên. Đây là vấn đề gây tranh luận lớn nhất trong quá trình soạn thảo.

Quy định như vậy sẽ khiến một nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường dịch vụ thông tin tín dụng phải cùng một lúc thuyết phục được 15 ngân hàng hợp tác với mình. Nếu ngân hàng đó đang hợp tác với công ty tín dụng khác thì phải phá bỏ hợp đồng hợp tác cũ và chuyển sang một nhà cung cấp dịch vụ mới. Một ngân hàng cũng sẽ chỉ đồng ý phá bỏ hợp đồng với đối tác cũ và chuyển sang công ty mới khi biết chắc rằng có ít nhất 14 ngân hàng khác cũng làm điều tương tự.

“Quy định này sẽ khiến việc thành lập mới công ty thông tin tín dụng là điều bất khả thi và rất dễ dẫn đến nguy cơ độc quyền trong loại hình dịch vụ này”, ông Tuấn nói.

Điều đáng tiếc là những quy định làm tăng tính độc quyền, giảm tính cạnh tranh như vậy lại không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng mà còn một loạt những lĩnh vực khác như điện ảnh, thông tin và truyền thông....,theo chuyên gia VCCI.

Cần có quy định “điều trị” quy định

Tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu câu chuyện thực tế hàng loạt điều kiện kinh doanh, giấy phép con đã được bãi bỏ, đơn giản hóa nhưng cơ chế kiểm soát điều kiện kinh doanh mới ban hành lại đang bị bỏ ngỏ. Những văn bản trái quy định của pháp luật nhưng lại được “núp bóng” dưới dạng thông tư.

Cùng chung quan điểm với ông Lộc, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, muốn giải quyết được tận gốc vấn đề về điều kiện kinh doanh, tạo môi trường bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp, cần phải có công cụ để “ngăn cản” việc ban hành thông tư như hiện nay.

Theo ông Cung, việc có quy định “điều trị” quy định như vậy “để không xảy ra tình trạng các bộ ban ngành ban hành mấy trăm thông tư rồi sửa lúc nào cũng được. Đây là điều không thể chấp nhận được vì hệ thống pháp luật cần minh bạch và cần sự tiên đoán. Những văn bản quy phạm pháp luật này đang tạo ra chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp”.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/298711/can-loai-bo-nhung-dang-giay-phep-con-nup-bong-thong-tu.html