Can Lộc đánh thức tiềm năng 3 vùng kinh tế

Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) Đặng Trần Phong cho biết: 'Thực hiện đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn để đánh thức tiềm năng các vùng kinh tế được xác định là khâu đột phá của huyện trong nhiệm kỳ mới'.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) và Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trao bằng công nhận huyện nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ và Nhân dân huyện Can Lộc (tháng 12/2019). Ảnh tư liệu

Vụ hè thu 2020, cánh đồng 20 ha ở thôn Hạ Vàng, xã Vượng Lộc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong vụ sản xuất đầu tiên đạt năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay (54 tạ/ha).

Anh Nguyễn Đình Trung - Trưởng thôn Hạ Vàng cho biết: “Không những năng suất tăng 6-8 tạ/ha mà chi phí sản xuất cũng giảm 40% so với trước. Đây sẽ là động lực để chúng tôi quyết tâm phá bỏ bờ vùng, bờ thửa, mở rộng diện tích áp dụng cơ giới hóa trong mùa vụ tiếp theo”.

Từ thành công của mô hình sản xuất lúa ở Hạ Vàng, vụ xuân 2021, huyện Can Lộc sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục dồn điền, đổi thửa với mục tiêu mỗi địa phương ít nhất quy hoạch 20 ha.

Việc dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giải phóng sức lao động cho người dân, góp phần tăng năng suất lúa trên cùng diện tích.

Kinh tế nông nghiệp ở Can Lộc đang có sự chuyển dịch theo hướng chuyển trọng tâm từ số lượng sang nâng cao chất lượng và giá trị. Ngoài nâng cao chất lượng 9.000 ha trồng lúa, Can Lộc mở rộng quy mô cây ăn quả ở các xã vùng núi, bán sơn địa với 1.000 ha, trong đó có hơn 800 ha cam, bưởi, giá trị kinh tế đạt 300 triệu đồng/ha.

Những mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu OCOP… đã tạo nên những giá trị mới, nâng tầm thương hiệu cây ăn quả vùng thượng Can Lộc.

Vùng trà sơn Can Lộc hiện có 1.000 ha cây ăn quả, trong đó, hơn 800 ha cam, bưởi với giá trị sản xuất 300 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGap, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đã nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai hiệu quả giúp địa phương phát triển 300 ha cam, bưởi, chủ yếu được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó đã có 5 sản phẩm cam OCOP. Thu nhập bình quân đầu người ở Thượng Lộc ước đạt 44 triệu đồng/năm”.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Can Lộc tiếp tục triển khai mũi đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp với các chủ trương, chính sách đồng bộ. (Trong ảnh: Cánh đồng cây giống, rau củ quả thôn Hồng Lĩnh xã Vượng Lộc. Ảnh Thiên Vỹ)

Đánh thức lợi thế của vùng ven chân núi Hồng Lĩnh, các xã: Vượng Lộc, Thiên Lộc và Thuần Thiện mạnh dạn chuyển đổi, mở rộng diện tích rau màu, ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, tưới phun sương...

Anh Phan Văn Đức (thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc) cho biết: “Chỉ 4 sào đất, sử dụng hệ thống tưới phun sương để trồng rau giống và rau - củ - quả theo mùa, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình thu trên 250 triệu đồng. Toàn thôn có 52/69 hộ áp dụng mô hình tương tự”.

Tập trung xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, đến nay, toàn huyện Can Lộc có 893 trang trại, gia trại, mô hình kinh tế, trong đó, 61 mô hình lớn, 110 mô hình vừa và 722 mô hình nhỏ. Tổng giá trị hàng hóa sản xuất đạt trên 200 tỷ đồng.

Thúy Ngọc

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/can-loc-danh-thuc-tiem-nang-3-vung-kinh-te/199943.htm