Cần lời giải cho bài toán cây cam Văn Chấn
Cách đây gần chục năm, một số xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái như Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú… được coi là thủ phủ trồng cam, quýt của địa phương này. Cây cam đã đem về nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nhờ thế mà nhiều hộ dân trở nên giàu có.
Thế nhưng, từ cuối năm 2016, khi bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện và dần lây lan rộng, thì diện tích, sản lượng cam của huyện Văn Chấn đã giảm sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người trồng cam. Để có loại cây nào thay thế cho phù hợp vẫn là bài toán đau đầu không chỉ với người dân mà cả cơ quan chức năng.
Gia đình ông Nguyễn Đức Thông ở thôn Nông Trường, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang cố gắng chăm sóc những cây cam còn lại với hy vọng có thêm một nguồn thu nhập vào dịp gần Tết. Là hộ trồng cam muộn hơn so với nhiều hộ dân tại địa phương, có lẽ bởi vậy mà đến thời điểm này, gia đình ông là một trong số ít hộ còn nhiều cam ở xã. Dù vậy, dự kiến năm nay sản lượng thu hoạch cam của gia đình sẽ chỉ còn hơn 10 tấn, giảm một nửa so với năm ngoái. Nguyên nhân do cây cam của gia đình cũng bị vàng lá, thối rễ nên giảm dần cả diện tích và năng suất.
“Khoảng 8.000 m2 đất trồng cam, quýt thì cũng đã bị chết mất khoảng 4.000 m2. Số diện tích bị chết thì cũng chưa biết trồng loại cây nào thay thế vào được, bởi vì ở đây các hộ có cây bị chết trước đã tìm đủ các loại cây trồng vào rồi mà vẫn không ăn thua gì” - ông Thông chia sẻ.
Còn gia đình bà Phạm Thị Lan lại không được may mắn như vậy. Tất cả những diện tích trồng cam trước đây, gia đình bà đều phải chuyển đổi sang cây trồng khác, chủ yếu là cây ngô.
Theo bà Lan, tính về giá trị kinh tế thì cây ngô chỉ bằng 1/10 cây cam. Công chăm sóc, đầu tư về phân bón, giống ngô cũng tốn kém hơn. Thế nhưng, gia đình bà vẫn chưa thể tìm được loại cây trồng nào phù hợp để trồng thay thế vào đất cam.
“Nhà tôi chuyển đổi sang trồng lại cam nhưng không được, nên đành phải chuyển sang trồng ngô. Trồng ngô thì năng suất kém, phân bón thì đắt, ngô giá bán rẻ, có 7.000 đồng/kg hạt ngô” - bà Lan nói.
Trước đây, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn có trên 400 ha cam, một trong những địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện. Trung bình mỗi ha đem về nguồn thu cho người dân từ 400 - 500 triệu đồng. Cuộc sống người dân nơi đây từ đó mà thay đổi. Chính bởi vậy, khi cây cam xuất hiện bệnh dịch đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân.
Ông Hà Ngọc Đặng, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn cho biết: “Cam bị sâu bệnh chết là bài toán rất khó cho địa phương. Bao năm qua xã đã tìm hướng cải tạo lại diện tích cây ăn quả, đặc biệt là trồng cây khác trên đất cam đã bị bệnh, đây là vấn đề khá khó khăn”.
Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, đối với diện tích cam ở Văn Chấn, Yên Bái bị thối rễ, vàng lá chết dần, giảm năng suất đã được ngành mời cả các nhà khoa học ở các viện, trường đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp của nước ta đến khảo sát, nghiên cứu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể tìm ra đúng nguyên nhân khiến cây cam chết để phòng trừ hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái cho biết: Việc tìm ra nguyên nhân để có giải pháp bảo vệ diện tích cây ăn quả có múi nói chung, cam Văn Chấn nói riêng sẽ tiếp tục được thực hiện. Trước mắt, chỉ có thể đưa ra các khuyến cáo với người dân.
“Khi cây cam đã có hiểu hiện vàng lá, rụng quả, canh khô héo, sinh trưởng phát triển thì nên loại bỏ; với những cây vẫn phát triển tốt thì nên tiếp tục chăm bón để cho năng suất, sản lượng, và cố gắng giữ ổn định diện tích. Đối với điện tích đã loại bỏ cam đi thì trước hết là nên trồng những cây ngắn ngày để phục vụ sản xuất và cải tạo đất như đậu, đỗ, ngô, lạc… Còn về lâu dài thì chúng tôi phải tiếp tục tìm ra nguyên nhân thực sự của cây cam bị bệnh” - ông Huy nói.
Giai đoạn 2015 – 2020, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có hơn 2.000 ha cam, quýt tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn vùng ngoài như: Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An, thị trấn Nông trường Trần Phú… Đến năm 2022, toàn huyện chỉ còn chưa đến 1.100 h. Chưa kể trong số hơn 1.000 ha này có nhiều diện tích người dân dù không chặt bỏ nhưng cũng bỏ mặc không chăm sóc do bệnh vàng lá, thối rễ làm giảm chất lượng, năng suất quả, ảnh hưởng đến chất đất.
Hiện người trồng cam ở Văn Chấn đang rất cần cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn để “hồi sinh” cây cam; hoặc định hướng chuyển đổi cây, con giống phù hợp vào diện tích đất đã phá bỏ cây cam.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/can-loi-giai-cho-bai-toan-cay-cam-van-chan-post1063008.vov