Cần lượng hóa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ghi nhận các kết quả tích cực của Bộ Xây dựng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đề nghị, cần lượng hóa những kết quả đạt được và cả những tồn tại, hạn chế trong công tác này nhằm đánh giá đúng tình hình, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp để đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Kết quả đáng ghi nhận

Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ cho rằng, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã tương đối nghiêm túc trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động... Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2021, việc giải ngân vốn đầu tư công hàng năm của Bộ Xây dựng đạt kết quả cao, trung bình gần 97%, năm 2021 đạt hơn 99% kế hoạch vốn được giao, số vốn không giải ngân hết trong các năm được kéo dài thời gian sang năm sau đều giải ngân được 100%. Đây được xem là điểm sáng của Bộ Xây dựng, nhất là trong bối cảnh chung nhiều địa phương trong cả nước đều rất chậm chạp trong giải ngân vốn đầu tư công, “có tiền mà không tiêu được”, gây lãng phí lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Xây dựng. Ảnh: Thanh Chi

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Xây dựng. Ảnh: Thanh Chi

Trong triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, về cơ bản, các dự án được triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ được phê duyệt. Việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 luôn chấp hành đúng quy định pháp luật; các dự án sau khi hoàn thành, được bàn giao, đưa vào sử dụng đúng mục đích và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trong sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Xây dựng đã giảm 11 phòng và tổ chức tương đương trực thuộc các đơn vị hành chính; giảm từ 57 phòng (năm 2015) xuống còn 46 phòng (năm 2021), tương ứng giảm 19,3%...

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016 - 2021; công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm khá toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực.

Phải làm rõ danh mục các dự án kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Đoàn giám sát cũng nhận thấy, vẫn còn những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng. Đơn cử, trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng các dự án nhà ở cho sinh viên, theo báo cáo của Bộ, trong tổng số 95 dự án nhà ở cho sinh viên được phê duyệt đầu tư xây dựng giai đoạn 2009 - 2015, đến nay đã có 93 dự án được đưa vào sử dụng (87 dự án được đưa vào sử dụng toàn bộ, 6 dự án mới hoàn thành một phần các hạng mục đã khởi công và đưa vào sử dụng một phần); 2 dự án hiện vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng, chưa đưa vào sử dụng. Hiệu suất sử dụng trung bình các khu nhà ở cho sinh viên đạt khoảng 82%, trong đó, 78 dự án có tỷ lệ sinh viên vào ở cao từ 70% trở lên, 13 dự án đã đưa vào sử dụng nhưng tỷ lệ sinh viên vào ở thấp, chỉ đạt dưới 70%.

"Điểm danh" một số dự án nhà ở cho sinh viên kém hiệu quả như khu nhà ở cho sinh viên ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, khu nhà ở cho sinh viên tại huyện Chí Linh, Hải Dương…, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng, đây là sự lãng phí lớn về nguồn lực Nhà nước và đề nghị, Bộ Xây dựng làm rõ công tác quản lý đầu tư, xây dựng, các dự án nhà ở cho sinh viên. Mặc dù báo cáo của Bộ đã thống kê số dự án đưa vào sử dụng, số dự án chưa hoàn thành, chưa đưa vào sử dụng nhưng báo cáo chưa nêu danh mục từng dự án, chủ đầu tư, số vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước là bao nhiêu…

Đề cập tới bất cập, lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng nhà ở xã hội, khu tái định cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân thẳng thắn, “có hàng nghìn căn nhà tái định cư đang bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Xây dựng mới tổng hợp số liệu của 40 tỉnh. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung số liệu của các tỉnh, thành còn lại; làm rõ trong số hơn 43.000 căn nhà tái định cư do Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng, có bao nhiêu căn nhà đang bị hoang hóa, tổng vốn đầu tư là bao nhiêu, tỷ lệ lấp đầy tái định cư là bao nhiêu, chất lượng các khu tái định cư hiện nay thế nào?... Phải làm rõ hơn danh mục các dự án kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực; đồng thời, đánh giá rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm đối với các dự án trên.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Đoàn giám sát yêu cầu Bộ Xây dựng phải lượng hóa được kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ví dụ, trong công tác tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng, công tác ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn thì Bộ đã ban hành được bao nhiêu văn bản? Trong tổ chức thực hiện, Bộ đã làm được những việc gì, tiết kiệm được bao nhiêu tiền, đất đai, tài sản…?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu rõ, phần hạn chế, bất cập cũng phải lượng hóa được sự lãng phí trong quá trình tổ chức thực hiện, để thấy được con số thất thoát, lãng phí không hề nhỏ. Có như vậy, báo cáo mới cho thấy tổng quan về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, từ đó có giải pháp chống thất thoát, lãng phí trong thời gian tới.

Nhấn mạnh chuyên đề giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất rộng và phức tạp, song đây cũng là dịp để các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn vừa qua, Đoàn giám sát cũng đề nghị, Bộ Xây dựng cần lượng hóa tối đa các kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chuẩn hóa số liệu đưa vào báo cáo để Đoàn giám sát có nhận định, đánh giá đúng tình hình, sát thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, làm rõ các vấn đề đã được các thành viên Đoàn đặt ra, phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là nguyên nhân do bất cập liên quan đến chính sách, pháp luật. “Cần làm rõ thêm nguyên nhân của những hạn chế, bất cập liên quan tới chính sách, pháp luật. Phải chăng do dự báo chiến lược của chúng ta còn hạn chế, do đánh giá tác động không đầy đủ, do ban hành thiếu, chậm, chưa đồng bộ các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật ở cả Trung ương và địa phương...?”- Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị cụ thể về sửa đổi, bổ sung pháp luật, nhất là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật chuyên ngành như Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, các quy định về cấp thoát nước, quy hoạch không gian ngầm…

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/can-luong-hoa-ket-qua-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-i297065/