Cần lưu ý những gì để phòng tránh bị sốc phản vệ?

Sốc phản vệ có thể xảy ra rất sớm hay đôi khi muộn hơn sau một vài giờ. Khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh chuyển sang trạng thái nguy kịch. Vì vậy, cần lưu ý những gì để phòng tránh bị sốc phản vệ?

Sốc phản vệ có thể xảy ra rất sớm hay đôi khi muộn hơn sau một vài giờ, nhưng khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1–2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch, lúc này rất khó để đảo ngược tình huống.

Tại sao cần cấp cứu người bị sốc phản vệ ngay lập tức?

Theo BS.CKI Phan Tuấn Trọng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM), sốc phản vệ là tình trạng phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm, xảy ra sau vài giây đến vài phút tiếp xúc với dị nguyên. Tùy cơ địa nhạy cảm ở mỗi người mà cơ thể sẽ phản ứng với những chất gây dị ứng nhất định.

Sốc phản vệ gây ra những tác động tiêu cực đến toàn bộ cơ thể như hệ thống miễn dịch, hệ hô hấp, da, hệ thống tuần hoàn, hệ thống tiêu hóa, hệ thống thần kinh trung ương nên các triệu chứng cũng phân bố khắp cơ thể, phổ biến như: Ngứa da, môi bị sưng vù, hắt hơi, chảy nước mắt, nôn mửa, tiêu chảy…

Khi bị sốc phản vệ, triệu chứng của sốc phản vệ do thuốc hay các nguyên nhân khác về cơ bản giống nhau và xảy ra ở tất cả các cơ quan nội tạng trong cơ thể.

Sốc phản vệ ảnh hưởng hệ hô hấp

Bệnh nhân thấy khó thở, ngạt, tím tái, suy hô hấp cấp do co thắt phế quản gây nghẹt thở. Sốc phản vệ gây phù dây thanh, phù khí quản, co thắt phế quản có trường hợp phù phổi.

Sốc phản vệ ảnh hưởng hệ tim mạch

Sốc phản vệ làm giãn tĩnh mạch, tụt huyết áp, trụy tim mạch thường xuất hiện sớm do hậu quả của các chất hóa học đưa vào cơ thể. Thiếu oxy trong máu, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến toan máu và giảm co bóp cơ tim là giai đoạn nặng của sốc phản vệ.

Sốc phản vệ ảnh hưởng hệ thần kinh

Bệnh nhân nhanh chóng bị đau đầu, chóng mặt, chân tay run, nhận thức lơ mơ, nói lảm nhảm, co giật toàn thân và có thể ngất xỉu hay hôn mê.

Sốc phản vệ ảnh hưởng hệ tiêu hóa

Nếu bị sốc phản vệ do thực phẩm hay thuốc qua đường uống gây nên, bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, nôn, buồn nôn, ỉa chảy không kiểm soát, thậm chí chảy máu tiêu hóa.

Sốc phản vệ ảnh hưởng đến da

Da của người bị sốc phản vệ bị mẩn ngứa, nổi mề đay, phù Quincke (là tình trạng sưng nề xuất hiện nhanh và đột ngột ở cả vùng dưới và trên bề mặt của da và niêm mạc, chủ yếu xuất hiện ở lưỡi, môi, mắt, quanh miệng, bàn tay, bàn chân, hầu họng và bộ phận sinh dục).

Mức độ nặng nhẹ của sốc phản vệ phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể và phụ thuộc vào thời gian xử lý điều trị. Những dấu hiệu sớm cần lưu ý: ngứa bàn tay, chân, tê môi, lưỡi, khó thở, nhịp tim nhanh, cảm giác bồn chồn, hốt hoảng.

Nếu có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi với bác sĩ thật kỹ trước khi được chỉ định dùng thuốc để phòng chống sốc phản vệ.

Nếu có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi với bác sĩ thật kỹ trước khi được chỉ định dùng thuốc để phòng chống sốc phản vệ.

Cần làm gì để phòng tránh bị sốc phản vệ

Theo bác sĩ chuyên khoa, cần lưu ý những điều sau để tránh bị sốc phản vệ:

- Nếu có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi với bác sĩ thật kỹ trước khi được chỉ định dùng thuốc. Bởi những người nhạy cảm rất dễ bị dị ứng nếu không được kê đơn chính xác.

- Khi đang tiêm thuốc, nếu có cảm giác lạ như bồn chồn, sợ hãi hoặc tê lưỡi hãy thông báo ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và xử lý kịp thời.

- Sau khi tiêm thuốc xong nên ở lại phòng tiêm trong vòng 15 – 30 phút, không nên ra về ngay, đề phòng sốc phản vệ có thể xảy ra.

- Nên sử dụng đúng thuốc, thuốc được bác sĩ chỉ định và có nguồn gốc rõ ràng.

- Khi dùng đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xem phản ứng của cơ thể. Nếu sau 24 giờ, cơ thể không có phản ứng gì bất thường thì bạn có thể dùng tiếp. Còn ngược lại, hãy dừng ngay và gặp bác sĩ để được giải quyết kịp thời.

- Trường hợp bị sốc phản vệ, trong thời gian chờ đợi sự trợ giúp của bác sĩ, cần thực hiện các thao tác sau:

+ Đặt người bệnh nằm ở tư thế chân cao hơn đầu.

+ Cần nới lỏng quần áo và đắp mền cho người bệnh.

+ Nếu người bệnh bị nôn hoặc có dấu hiệu chảy máu từ miệng, hãy cho người bệnh nằm ở tư thế nghiêng, đề phòng sặc.

+ Cần trò chuyện với người bệnh để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh rơi vào tình trạng hôn mê.

+ Nếu bệnh nhân ngưng thở cần hồi sức tim, phổi bằng cách ép hơi lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân (kiểu hô hấp nhân tạo).

+ Kiểm tra nguyên nhân gây ra tình trạng sốc phản vệ.

+ Dù tình trạng nặng hay nhẹ cần dùng ngay adrenalin cho người bệnh. Cần cho người bệnh dùng càng sớm càng tốt, lưu ý là đủ liều lượng.

+ Cấp cứu bệnh nhân cần được thực hiện ở cơ sở có đầy đủ bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Do đó khi gặp tình trạng sốc phản vệ, hãy đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/can-luu-y-nhung-gi-de-phong-tranh-bi-soc-phan-ve-172230405161440685.htm