Cần mạnh tay xử lý vi phạm TTXD trên đất nông nghiệp
Vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp không chỉ làm thất thu ngân sách, lãng phí tài nguyên đất mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực.
Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với quy mô lớn. Điều đáng nói là hoạt động san lấp và xây dựng tốn rất nhiều thời gian, khó có thể che giấu, thế nhưng bằng cách nào đó các công trình này vẫn không bị kiểm tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nằm trên đường Hồng Tiến (quận Long Biên), một sân thể thao vừa mới được hoàn thiện và đưa vào hoạt động hơn một tháng trước. Toàn bộ kết cấu công trình được làm bằng khung sắt hộp và lợp mái tôn kiên cố. Phóng viên ghi nhận bên trong sân thể thao này là khu vực chuyên dành cho câu lạc bộ thi đấu. Khu đất kế bên hiện cũng đang trong quá trình xây dựng và chỉ ít ngày nữa, một sân thể thao mới sẽ được hoàn thiện. Những công trình này không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo an toàn và không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, nhưng vẫn được cấp lưới điện 3 pha để duy trì hoạt động kinh doanh. Hàng nghìn mét vuông đất canh tác trên địa bàn đã bị lấn chiếm và sử dụng sai mục đích.
Anh Nguyễn Trọng Công, cán bộ phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cho biết: “Hiện trạng từ xưa đến nay là đất nông nghiệp, nhưng cuối năm 2024 có nhiều bộ phận đến đây san lấp để trông giữ xe ô tô. Hiện tại họ cũng đang san lấp để làm những sân thể thao quy mô rất lớn”.
Tại xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai), tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp cũng đang diễn ra rầm rộ. Những ngôi nhà cao tầng được thi công gấp rút, hoạt động xây dựng diễn ra công khai giữa ban ngày mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ xã Mỹ Hưng bày tỏ: “Không hiểu lý do tại sao trên địa bàn xã có những ngôi nhà hai tầng, ba tầng trên đất nông nghiệp mọc lên mà không thấy chính quyền can thiệp. Sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền xã khiến người dân lo ngại đất nông nghiệp sẽ không còn nữa. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?”.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019, mức xử phạt hành chính sẽ căn cứ vào diện tích đất bị hủy hoại, trong đó mức phạt cao nhất từ 60-150 triệu đồng nếu diện tích từ 1ha trở lên, đồng thời buộc người vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất. Nếu không chấp hành, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất.
Việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Đất nông nghiệp sau khi bị san lấp bằng trạc thải xây dựng gần như không thể khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Do vậy, bên cạnh việc xử lý dứt điểm các công trình vi phạm, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.