Cần mặt bằng sạch để bảo đảm tiến độ
Dự án đường và kè nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá (phía Nam cầu Nhật Lệ 3), TP. Đồng Hới có mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, đã khởi công được gần 5 tháng. Tuy nhiên, hiện nay dự án đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), nếu không nhanh chóng tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ.
Góp phần kết nối đô thị và du lịch
Dự án đường và kè nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá (phía Nam cầu Nhật Lệ 3), TP. Đồng Hới do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 298 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn ngân sách vượt thu năm 2021 và năm 2022 của tỉnh. Dự án có 1 gói thầu xây lắp, với trị giá hợp đồng gần 199 tỷ đồng.
Với kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tạo nên mạng lưới kết nối đô thị và du lịch vùng phía Đông-Nam TP. Đồng Hới-vùng được định hướng thu hút đầu tư và phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh-dự án bao gồm tuyến chính dài 2,38km và tuyến kết nối dài 0,54km; tổng chiều dài tuyến thiết kế 2,92km. Điểm đầu tuyến chính sẽ có vị trí tại khu vực công viên cây xanh phía Nam cầu Nhật Lệ 2, điểm cuối tuyến tại phía Nam cầu Nhật Lệ 3, tiếp giáp với Khu neo đậu tàu thuyền trú bão và hậu cần nghề cá xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới). Tuyến kết nối có điểm đầu tại điểm cuối tuyến chính và điểm cuối tại vị trí giao với trục đường quy hoạch 36m xã Bảo Ninh.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQL DA) đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (đơn vị đại diện chủ đầu tư) cho biết, mục tiêu dự án nhằm từng bước tạo nên mạng lưới giao thông đô thị TP. Đồng Hới hoàn chỉnh, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo định hướng phát triển của tỉnh; đồng thời, tạo điểm nhấn và thu hút đầu tư các dự án khu đô thị ven biển, khai thác có hiệu quả quỹ đất ven biển; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt trong việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, dịch vụ biển, hậu cần nghề cá cũng như nâng cao năng lực phòng tránh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, chống xói lở bờ sông…
Dự án do Liên danh Tập đoàn Sơn Hải thi công. Thời gian thi công được bắt đầu từ ngày 10/5/2024, dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành đưa vào khai thác. Theo chủ đầu tư dự án, trong năm 2024, dự án được bố trí nguồn vốn 238 tỷ đồng. Tính đến ngày 24/9, đã giải ngân được 27,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,7%. Dự kiến hết năm 2024 giải ngân được khoảng 50 tỷ đồng.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Sau gần 5 tháng triển khai thi công, đến thời điểm này, dự án chỉ có 400m mặt bằng tiếp cận để thi công. Trao đổi với phóng viên, đại diện phía Liên danh nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải cho biết: Trong phạm vi 400m mặt bằng sạch, đoạn từ phía Nam cầu Nhật Lệ 3 đến khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá, tại hiện trường đơn vị thi công đang hạ ống bi có đường kính 1,5m dài 6m xuống lòng sông Nhật Lệ để đổ bê tông làm nền móng kè. Hiện, đơn vị đã đúc và hạ được 118 ống bi và ép 2.000m cọc 40x40cm cắm xuống lòng sông.
Theo đại diện nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải, đơn vị đã tập trung đầy đủ nhân lực, phương tiện thiết bị tại hiện trường để bảo đảm thi công nhanh, tuy nhiên, thời gian tới nếu không có thêm mặt bằng sạch sẽ phải điều bớt tới công trường khác để thi công.
Trong phạm vi GPMB của dự án, có 79 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký duyệt hồ sơ trích đo địa chính 42 hộ gia đình và 1 tổ chức, UBND thành phố đã ban hành thông báo thu hồi đất đợt 1 đối với 11 hộ gia đình và 1 tổ chức; đang trình UBND thành phố ban hành thông báo thu hồi đất đợt 2 cho 24 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức. Hiện còn lại 37 hộ gia đình, cá nhân chưa ký hồ sơ trích đo.
“Công tác bồi thường hỗ trợ GPMB hiện đang bị gián đoạn do chờ UBND tỉnh ban hành các quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo Luật Đất đai 2024”, ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Điều hành Dự án 2, BQL DA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho hay.
Không chỉ tuyến chính gặp khó khăn trong công tác GPMB, tại tuyến đường kết nối dài 0,54km của dự án hiện cũng đang vướng mắc, đặc biệt có 40 ngôi mộ cần phải di dời. Dẫn phóng viên thực địa tại tuyến đường kết nối có điểm đầu tại điểm cuối tuyến chính (gần khu neo đậu tàu thuyền) và điểm cuối tại vị trí giao với trục đường quy hoạch 36m xã Bảo Ninh, ông Nguyễn Quốc Toàn, cán bộ tư vấn giám sát của chủ đầu tư cho hay, hiện tuyến đường này cũng chưa thi công được do vướng mặt bằng.
Đại diện phía BQL DA đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP. Đồng Hới-đơn vị phụ trách bồi thường GPMB của dự án-cho hay: Trong phạm vi dự án đi qua có các trường hợp nguồn gốc đất đai phức tạp, không rõ ràng và đất có tranh chấp nên mất nhiều thời gian tháo gỡ, làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB. “Chúng tôi sẽ tập trung hết sức, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB của dự án. Tuy nhiên, công tác định giá đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ GPMB hiện chưa thực hiện được do chờ UBND tỉnh ban hành các quy định mới theo Luật Đất đai 2024”, lãnh đạo BQL DA đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP. Đồng Hới cho biết thêm.
Ông Đoàn Công Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường)-đơn vị thực hiện công tác trích đo địa chính của dự án-cho biết: Chúng tôi đã hoàn thiện và bàn giao sản phẩm trích đo chỉnh lý địa chính 2 đợt cho chủ đầu tư. Hiện, đơn vị đang tiếp tục tiến hành hoàn thiện trong đợt 3. “Do một số diện tích đất nằm trong phạm vi GPMB của dự án đang phải xác định nguồn gốc, tranh chấp nên trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trích đo chỉnh lý địa chính đợt 3, đơn vị đang gặp một số vướng mắc cần được UBND xã Bảo Ninh hỗ trợ tháo gỡ”, ông Đoàn Công Hữu nói.