Cần miễn thuế cho doanh nghiệp tư hoạt động phi lợi nhuận
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao về công tác chuẩn bị của các cơ quan đối với nội dung trình tại Hội nghị, đặc biệt là đối với các nội dung liên quan đến 2 Luật thuế trình tại Kỳ họp thứ 9.
Ngày 26/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận, góp ý kiến về các Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Vướng mắc liên quan đến cơ sở thường trú
Góp ý Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai bày tỏ sự đồng tình cơ bản về các nội dung dự thảo cũng như báo cáo tiếp thu, giải trình dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai, thứ nhất, tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật quy định về doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế. Tại đây vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành về người nộp thuế, trong khi đó nội dung tại báo cáo thuyết minh Dự án Luật đã thể hiện các hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử và các nền tảng số xuyên biên giới đang có sự bất cập về khái niệm cơ sở thường trú đang được quy định tại luật hiện hành và các hiệp định thuế, bởi chưa đáp ứng được thực tế của loại hình kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú ảo, không có địa chỉ liên lạc thật trên thực tế.
"Như vậy, việc vẫn giữ nguyên vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung về cơ sở thường trú, không có sự chỉnh sửa cho phù hợp khiến những vướng mắc trên chưa được giải quyết trong Dự thảo Luật này" - đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả các thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh. Điều này làm cho nội dung quy định trở nên mâu thuẫn và khó thực hiện khi vừa không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, đồng thời lại không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao về công tác chuẩn bị của các cơ quan đối với nội dung trình tại Hội nghị, đặc biệt là đối với các nội dung liên quan đến 2 Luật thuế trình tại Kỳ họp thứ 9. Ảnh: Quochoi.vn
Vì vậy, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, kiểm tra kỹ lại những nội dung trên và có hướng chỉnh sửa để đảm bảo tính thống nhất cũng như giải quyết được bất cập, vướng mắc theo luật hiện hành hiện nay.
Thứ hai, tại Điều 7 về xác định thu nhập tính thuế, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai cho hay, việc xác định thời điểm doanh thu để tính thuế thu nhập chịu thuế của hàng hóa được bán ra cần xác định rõ hơn. Đối với khoản chi do doanh nghiệp có rủi ro về thuế đề nghị Luật cần được bổ sung không được trừ thuế tính từ khi gặp rủi ro nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Vì về nguyên tắc hóa đơn do doanh nghiệp có rủi ro về thuế, hóa đơn phát hành đều không hợp pháp. Cơ quan thuế sẽ yêu cầu người mua hàng, toàn bộ chi phí liên quan đến các hóa đơn do doanh nghiệp có rủi ro về thuế, hóa đơn xuất ra trong tất cả các năm và tính nộp bổ sung thuế còn thiếu.
Đồng thời, người mua cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm khi giao dịch với các doanh nghiệp có rủi ro về thuế, hóa đơn. Nếu việc loại toàn bộ chi phí trong một thời gian dài như vậy thì chưa thật sự hợp lý và cũng chưa phù hợp, bởi vì nhiều doanh nghiệp ban đầu thành lập và có hoạt động hợp pháp sau một thời gian mới bắt đầu gặp khó khăn và có tính rủi ro. Vì vậy, cần căn cứ vào dữ liệu của cơ quan có thẩm quyền thu nhập để xác định được thời điểm có dấu hiệu rủi ro về thuế và hóa đơn cũng như chỉ loại các chi phí liên quan đến hóa đơn xuất cho các khoảng thời gian mà doanh nghiệp có rủi ro về thuế và hóa đơn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào nội dung này quy định như sau: Không được trừ chi phí của doanh nghiệp có rủi ro về thuế, hóa đơn theo thông báo của cơ quan thuế tính từ thời điểm phát sinh rủi ro về thuế, hóa đơn. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp cho người nộp thuế bớt thiệt hại khi có những giao dịch ngay tình với những doanh nghiệp gặp rủi ro về thuế, hóa đơn trước đó.
Thứ ba, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đề xuất cần miễn thuế cho doanh nghiệp tư hoạt động phi lợi nhuận với các lý do sau:
Theo quy định hiện hành, các tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công để thúc đẩy việc xã hội hóa nhưng không phải là đơn vị công lập, ví dụ các bệnh viện tư, trường học dân lập được hưởng mức ưu đãi cao nhất là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần để lại không chia. Đây là chính sách để khuyến khích phát triển các đơn vị giáo dục ngoài công lập nhưng phát triển vì mục đích phi lợi nhuận.
Do đó, tiền đóng học phí, viện phí của người bệnh cho các tổ chức này cũng không nhằm mục tiêu lợi nhuận hay chia lợi nhuận cho các cổ đông mà mục tiêu chính là để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phục vụ chính cho người học, người bệnh. Đây là hướng khuyến khích phát triển và rất cần thiết cần đưa vào luật để miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp tư và dịch vụ tư mà hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đề xuất miễn thuế cho doanh nghiệp tư hoạt động phi lợi nhuận. Ảnh: Quochoi.vn
Tương tự như vậy, đối với các đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng cần được coi là các đơn vị phi lợi nhuận và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện nay mục tiêu của chúng ta và đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập mà phân loại được hưởng 100% ngân sách tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
"Đây là những địa bàn trong quá trình chúng tôi tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn nhận được phản ánh còn rất nhiều khó khăn và các đơn vị này vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao; đồng thời cần phải tiếp tục ngày một tốt hơn làm các dịch vụ để cung ứng đến người dân. Đây là những nội dung rất quan trọng, cần phải được khuyến khích. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thêm nội dung này" - đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đề xuất.
Có thể bỏ sót các phương tiện vận tải đang có xu hướng phát triển
Góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, thứ nhất, về đối tượng chịu thuế, tại điểm e khoản 1 Điều 2, cần xem xét việc bỏ khái niệm đối tượng chịu thuế là tàu bay để thay thế thành máy bay trực thăng, tàu lượn như trong Dự thảo Luật. Việc quy định cụ thể đối tượng chịu thuế là máy bay trực thăng, tàu lượn có thể bỏ sót các phương tiện vận tải hiện đang có xu hướng phát triển trên thế giới như ô tô bay, thiết bị bay không người lái.
Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 quy định “Tàu bay là thiết bị được lưu giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm máy bay trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác”. Như vậy, khái niệm tàu bay rất rộng, việc cô đọng lại đối tượng chịu thuế chỉ là máy bay trực thăng, tàu lượn có vẻ như chưa phù hợp với mục tiêu mở rộng cơ sở thuế .

Các đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Tuy nhiên, tại điểm k khoản 1 Điều 2 về đối tượng chịu thuế, đề nghị bỏ nội dung quy định "không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học" ra khỏi khái niệm vàng mã, hàng mã.
Lý do đại biểu đưa ra, theo cách hiểu dân gian, vàng mã hay còn gọi là tiền âm phủ là một loại vật phẩm được xem như phải đốt cho cõi âm trong văn hóa Việt Nam, được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền, quần áo, xe hơi, nhà cửa. Vàng mã thường được sử dụng trong ngày lễ, dịp cúng, đám giỗ, mặc dù hiện nay chúng ta không khuyến khích việc này song trên thực tế vẫn diễn ra.
Trong khi đó, đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập là công cụ hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên vui chơi giải trí và học tập không dùng để đốt nên không thể đánh đồng với khái niệm vàng mã, hàng mã. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ quy định này.
Tại khoản 4 Điều 3 về đối tượng không chịu thuế, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị rà soát nội dung quy định mở rộng về đối tượng không chịu thuế đối với các xe ô tô chở người, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông và chỉ chạy trong phạm vi bệnh viện, trường học và xe ô tô chuyên dụng khác vì không phù hợp với thực tế tại các bệnh viện và trường học tại Việt Nam.
"Đồng thời, Dự thảo Luật sửa đổi cũng chưa quy định thế nào là xe ô tô chuyên dụng khác sẽ gây khó khăn trong quá trình áp dụng Luật vào cuộc sống" - đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai bày tỏ.
Đối với khoản 1 Điều 4 về người nộp thuế, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị không bổ sung người nộp thuế là tổ chức, cá nhân gia công hàng hóa và kinh doanh dịch vụ với lý do sau:
Theo Điều 178 Luật Thương mại năm 2005, gia công trong thương mại là hoạt động thương mại. Theo đó, bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao. Do đó, đơn vị gia công sẽ phải trả lại toàn bộ sản phẩm đã gia công cho đơn vị thuê gia công. Việc đưa đơn vị gia công vào diện người nộp thuế sẽ gây trùng lặp trong khâu tính thuế với đơn vị thuê gia công.
Mặt khác, đối tượng chịu thuế của hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 2 là sản phẩm hoàn chỉnh không bao gồm linh kiện để lắp ráp các hàng hóa này. Trên thực tế, đơn vị gia công có thể chỉ gia công một hoặc một số công đoạn trong quá trình sản xuất sản phẩm. Quá trình gia công có thể chưa tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, quy định đơn vị gia công vào khoản người nộp thuế chưa phù hợp với quy định về đối tượng chịu thuế.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-mien-thue-cho-doanh-nghiep-tu-hoat-dong-phi-loi-nhuan.html