Cần minh bạch thông tin dự án cải tạo hồ Đống Đa

Ủng hộ dự án cải tạo hồ Đống Đa, song nhiều người dân cũng lo ngại việc san lấp một phần diện tích mặt nước để thi công sẽ bị… lãng quên.

Đơn vị thi công đã tạm san lấp 6.500m2 diện tích mặt hồ Đống Đa để làm nơi tập kết nguyên vật liệu.

Đơn vị thi công đã tạm san lấp 6.500m2 diện tích mặt hồ Đống Đa để làm nơi tập kết nguyên vật liệu.

Cùng với hệ thống cây xanh thì ao, hồ giữ vai trò điều hòa môi trường. Đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội, hệ thống ao hồ còn giúp giảm thiểu ngập úng và là nơi vui chơi giải trí của nhân dân. Ủng hộ dự án cải tạo hồ Đống Đa, song nhiều người dân cũng lo ngại việc san lấp một phần diện tích mặt nước để thi công sẽ bị… lãng quên.

Cam kết trả lại cảnh quan

Thường xuyên đi bộ tập thể dục ở hồ Hoàng Cầu, chị L.T. Điệp (48 tuổi) trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết, từ khoảng tháng 7/2024, khu vực hồ được quây rào tôn để thực hiện Dự án Cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cảnh quan đô thị hồ Đống Đa. “Đơn vị thi công thông báo tới chính quyền và nhân dân, sau khi quây tôn xung quanh hồ thì mới đây đã triển khai dự án…”, chị Điệp nói.

“Vật liệu xây dựng, đất được đổ xuống khu vực bán đảo để thi công. Chúng tôi lo lắng họ sẽ lấp mặt nước vĩnh viễn, phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đấy”, nhiều người dân sống quanh hồ bày tỏ lo lắng.

Ghi nhận của Báo GD&TĐ sáng 2/10, tại diện tích hồ đang được thi công có máy móc, một phần mặt nước hồ được đổ đất, cát san gạt. Nhà thầu cũng tập kết sắt, máy móc cho công nhân thi công dự án. Phía bên ngoài hồ Đống Đa được quây rào tôn với biển tên “Dự án Cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cảnh quan đô thị hồ Đống Đa” do Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thực hiện. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa. Thời điểm khởi công tháng 7/2024, dự kiến hoàn thành tháng 8/2025.

Hồ Đống Đa rộng khoảng 12,5 ha, chiều dài kè hồ 1.900m (trong đó ranh giới quận Đống Đa là 1.550m, quận Ba Đình 350m). Phía Đông và Đông Nam là tuyến phố Hoàng Cầu nối từ đường Láng đến Đê La Thành, chạy vòng quanh hồ là tuyến phố Đặng Tiến Đông - Mai Anh Tuấn. Các tuyến phố xung quanh hồ Đống Đa dài 1.270m với mặt cắt ngang 6,5m.

Hạ tầng của hồ được xây dựng từ năm 2008, hiện đã xuống cấp, mất thẩm mỹ. Từ tháng 7/2024, quận Đống Đa khởi công cải tạo hồ với các hạng mục chính gồm: Cải tạo toàn bộ vỉa hè xung quanh hồ bằng đá tự nhiên nhám bề mặt; nâng cấp đường dạo; thay thế lan can quanh hồ; trồng mới, thay thế một số cây xanh bóng mát; thay hệ thống chiếu sáng.

Ngoài ra, quận Đống Đa bổ sung điểm nhấn cảnh quan (sân khấu và khán đài ngoài trời) đua ra phía hồ bằng phương án sử dụng hệ dầm sàn bê tông cốt thép trên nền cọc bê tông cốt thép dự ứng lực, không làm thay đổi diện tích và dung tích mặt hồ.

Liên quan đến phản ánh san lấp hồ Đống Đa, ông Trịnh Hữu Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, việc thu hồi một phần diện tích phục vụ chỉnh trang bán đảo nằm trong đề án tổng thể cải tạo hồ.

Theo đó, diện tích dự kiến thu hồi khoảng 3/4 bán đảo (bán đảo khoảng hơn 5.000m), khoảng 4.000m, chủ yếu được thiết kế quảng trường và cây xanh, trong đó có điểm nhấn kiến trúc thể hiện tình hữu nghị Việt - Pháp đặt ở giữa quảng trường.

Ông Tuấn cũng cho biết, quận Đống Đa kết nghĩa với một địa phương ở Pháp, việc đặt biểu tượng thể hiện tình cảm gắn bó giữa hai bên.

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa lý giải, khi đặt vấn đề thu hồi diện tích bán đảo phải nghĩ đến quyền lợi các bên, gồm chủ đầu tư đang được cho thuê đất, Nhà nước và người dân. Trong đó quyền lợi người dân được đặt lên cao nhất.

Để thực hiện dự án, đơn vị thi công đã lấp tạm khoảng 6.500 m2 mặt nước làm nơi tập kết vật liệu và phục vụ thi công. Bên cạnh đó đã đóng khoảng 570 cọc bê tông xung quanh hồ để thi công phần đường dạo quanh hồ.

Lý giải về điều này, lãnh đạo UBND quận Đống Đa cho rằng, 6.500 m2 chưa đạt tới 10% diện tích của hồ theo thỏa thuận của Sở Xây dựng đã cấp phép. Nhà thầu cam kết thực hiện đúng thỏa thuận của Sở Xây dựng. Sau khi hoàn thành sẽ trả lại cảnh quan mặt nước hồ như ban đầu.

 Bán đảo hồ Đống Đa nhìn từ trên cao.

Bán đảo hồ Đống Đa nhìn từ trên cao.

Yêu cầu kiểm tra, báo cáo

Trước thông tin lấp 6.500m2 hồ Đống Đa để thực hiện dự án cải tạo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải giao UBND quận Đống Đa phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ và xử lý thông tin phản ánh nêu trên; kịp thời cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí theo thẩm quyền quy định; báo cáo UBND TP Hà Nội kết quả thực hiện.

Liên quan đến dự án này, ngày 31/10/2023, HĐND quận Đống Đa phê duyệt chủ trương đầu tư, giao cho Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Đống Đa làm chủ đầu tư. Đến ngày 29/3/2024, UBND quận Đống Đa đã thực hiện phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 297 tỷ đồng.

Về biện pháp tạm lấp hồ bị đánh giá làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, PGS.TS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, ao, hồ giúp “điều hòa” không khí cho môi trường Thủ đô. Vì vậy, không được san lấp ao, hồ. Việc này còn dẫn tới nguy cơ ngập lụt, ô nhiễm môi trường.

“Cải tạo hồ Đống Đa bị khó trong thi công mà phải san lấp tạm một phần diện tích mặt nước hồ thì chính quyền phải chịu trách nhiệm, cam kết bằng văn bản về việc trả lại cảnh quan mặt nước hồ như ban đầu sau thi công xong.

Đồng thời công khai trên các phương tiện truyền thông, khu vực thi công để nhân dân, mặt trận Tổ quốc các cấp được giám sát… Cam kết thi công, thời điểm hoàn trả lại nguyên trạng, ai cấp phép, ai chịu trách nhiệm trong thi công, trả lại mặt bằng sau thi công… cần công khai danh tính”, PGS.TS Bùi Thị An nói.

Không chiếm 10% diện tích hồ

Trong văn bản gửi quận Đống Đa và đơn vị liên quan, Sở Xây dựng Hà Nội lưu ý, việc ép cừ lasen phục vụ thi công phải chia từng phân đoạn nhỏ đảm bảo diện tích mặt nước hồ điều hòa Đống Đa (không chiếm đến 10% diện tích hồ); thi công cuốn chiếu hoàn thiện, hoàn trả, nạo vét vệ sinh đảm bảo cao độ đáy hồ theo hiện trạng trước khi chuyển sang phân đoạn tiếp theo. Vật liệu đất đắp đường công vụ phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, sau đó phải được thanh thải, nạo vét đảm bảo yêu cầu, quá trình thi công phải phối hợp với đơn vị quản lý thoát nước đảm bảo công tác điều tiết nước hồ phục vụ công tác thoát nước đô thị. Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Đống Đa phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc Ban Quản lý dự án tổ chức thi công công trình đảm bảo an toàn, cảnh quan môi trường, thực hiện công tác thanh thải mặt bằng đảm bảo yêu cầu và công tác điều tiết phục vụ thoát nước đô thị trong khu vực thuộc phạm vi dự án.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-minh-bach-thong-tin-du-an-cai-tao-ho-dong-da-post703227.html