Cần mở rộng địa bàn cho vay từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hà Nam đã triển khai cho đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách vay vốn để xây dựng các công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thông qua chương trình đã góp phần tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới. Mặc dù vậy, tín dụng ưu đãi cho vay chương trình mới chỉ tập trung ở xã, không giải ngân cho các thị trấn, phường và mức cho vay thấp, nhiều năm chưa được điều chỉnh.

Thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hà Nam đã triển khai cho đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách vay vốn để xây dựng các công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thông qua chương trình đã góp phần tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới. Mặc dù vậy, tín dụng ưu đãi cho vay chương trình mới chỉ tập trung ở xã, không giải ngân cho các thị trấn, phường và mức cho vay thấp, nhiều năm chưa được điều chỉnh.

Tính đến ngày 7/12/2022, dư nợ của Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của toàn tỉnh đạt 618,3 tỷ đồng với 34.459 khách hàng vay vốn; trong đó nợ quá hạn là 434 triệu đồng, chiếm 0,07% tổng dư nợ. Riêng huyện Kim Bảng nhờ quản lý tốt nguồn vốn cho vay và đến nay không phát sinh nợ quá hạn. Hiện tại mức nhờ vay của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 10 triệu đồng/1 công trình và một hộ được vay tối đa 2 công trình (nước sạch hoặc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh). Từ nguồn vốn đã giúp các hộ nghèo và gia đình chính sách xây dựng các công trình cải thiện đời sống, điều kiện sinh hoạt góp phần nâng cao sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh môi trường. Tuy vậy, theo phản ánh của người dân chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho vay trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại.

Khách hàng giao dịch tại Điểm giao dịch NHCSXH huyện Thanh Liêm tại xã Liêm Cần. Ảnh: Đức Anh

Ông Cao Anh Tuấn, ở thôn Hòa Ngãi, xã Thanh Hà (Thanh Liêm) cho biết: Mức cho vay của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay vẫn thấp, không phù hợp với thực tế và chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu vốn, nhất là vay để xây dựng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong khi đó, giá vật tư, nhân công tăng cao, vì thế ngoài số vốn vay của ngân hàng gia đình vẫn phải huy động thêm từ các nguồn khác để xây dựng công trình. Rất mong Nhà nước nâng mức cho vay nhằm giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách vay xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Qua tìm hiểu được biết, từ nhiều năm qua chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn không triển khai cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách vay tại địa bàn các phường, thị trấn. Không chỉ ảnh hưởng đến đối tượng vay mà điều này còn ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là ở các địa phương mới sáp nhập như thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục), thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm) và 7 phường của thị xã Duy Tiên.

Được biết, trước năm 2020 tại xã Thanh Bình có 279 hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn và xã Thanh Lưu có 440 hộ vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhưng từ ngày 1/1/2020 sau khi sáp nhập thành thị trấn Tân Thanh các hộ không được vay vốn từ chương trình này. Trên địa bàn thị trấn hiện còn dư nợ (thời hạn vay 5 năm) hơn 3,1 tỷ đồng của 186 hộ vay. Trong thực tế, hiện tại nhiều hộ nghèo và gia đình chính sách của thị trấn đời sống gặp khó khăn mong muốn tiếp tục được vay vốn ưu đãi để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhưng không thuộc đối tượng vay.

Tương tự, hiện nay ở thị xã Duy Tiên những xã trở thành phường như: Yên Bắc, Tiên Nội, Bạch Thượng, Hoàng Đông, Duy Minh, Duy Hải, Châu Giang qua tìm hiểu nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách có nhu cầu nhưng không được vay vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Theo báo cáo của Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Duy Tiên, đến thời điểm này chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của thị xã khoảng 74 tỷ đồng với 4.095 hộ vay, giảm 8,2 tỷ đồng so với đầu năm 2022, nợ quá hạn 12 triệu đồng. Nguyên nhân chính từ năm 2020 thị xã có 7 xã chuyển thành phường, vì vậy chương trình không giải ngân cho các đối tượng vay như trước đây.

Ông Vũ Tân Dậu, Chủ tịch UBND phường Tiên Nội cho biết: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của phường chiếm 0,47% tổng số hộ trên địa bàn và 246 hộ gia đình chính sách. Qua khảo sát nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách muốn được vay vốn để nâng cấp, xây dựng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh nhưng không thuộc đối tượng vay, đây là thiệt thòi lớn cho địa phương.

Ông Trần Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mang lại hiệu quả rõ rệt ở nông thôn và được các cấp, ngành, người dân ghi nhận, đánh giá cao. Nhờ đó, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi hộ gia đình. Tuy vậy, theo quy định của Nhà nước đối với các phường, thị trấn không được giải ngân cho vay. Nắm bắt nhu cầu thực tế, những năm qua Chi nhánh nhiều lần đề nghị ngân hàng cấp trên có hình thức hỗ trợ, nâng mức cho vay nhưng chưa được giải quyết. Điều này, cũng đã ảnh hưởng đến công tác đầu tư tín dụng chính sách trên địa bàn.

Phùng Thống

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/can-mo-rong-dia-ban-cho-vay-tu-chuong-trinh-nuoc-sach-va-ve-sinh-moi-truong-nong-thon-90523.html