Cần mở rộng đối tượng được bình đẳng giới
Với sự mở rộng khái niệm về 'giới' trong xã hội hiện đại thì đối tượng hướng đến của 'bình đẳng giới' cũng cần phải thay đổi phù hợp, để sự bình đẳng không có biên giới, toàn diện và văn minh hơn.
Đầu tháng 8/2022, Bộ Y tế Việt Nam đã khẳng định LGBTQ+ (cụm từ thể hiện sự đa dạng của con người dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới, thể hiện giới và thiên hướng tình dục) hoàn toàn không phải là bệnh, không thể chữa, không cần chữa và không thể thay đổi theo bất cứ cách nào.
Công bố này đã tạo ra một bước tiến lớn về quyền LGBTQ+ tại Việt Nam. Có thể nói, xã hội Việt Nam những năm qua đã có cái nhìn khá “thoáng”, cởi mở và cộng đồng LGBTQ+ đã có chỗ đứng nhất định trong xã hội, nhiều người vẫn có các thành tựu nhất định trong lĩnh vực của mình, được yêu mến, trân trọng. Tuy nhiên, trong những góc khuất của cuộc sống, những người đồng tính, chuyển giới... vẫn bị đối xử bất bình đẳng, bị kì thị, chịu bạo lực giới từ chính trong gia đình mình cho đến nơi làm việc, nơi công cộng, ngoài xã hội. Chính vì thế, thời gian qua, khi nhắc đến bình đẳng giới, nhiều người hoạt động tích cực trong lĩnh vực này đã lên tiếng mong muốn sự bình đẳng giới toàn diện hơn, không “bỏ quên” cộng đồng LGBT vì họ thuộc một “giới tính khác” bên ngoài những khái niệm vẫn gặp ngàn năm nay về hai giới.
Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở TT&TT TPHCM, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) tại Việt Nam đã tổ chức chương trình “Bữa sáng Ruy băng Trắng - Vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới”. Tại chương trình, bên cạnh nhắc đến tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn khá phổ biến ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội, các đại biểu tham dự đã có đề cập đến vấn đề “bình đẳng giới” bao gồm cộng đồng LGBTQ+.
Là người chuyển giới khá nổi tiếng trong cộng đồng với vai trò chuyên gia tâm lý thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng, hiện nay đã lập gia đình và có cuộc sống hôn nhân êm ấm cùng chồng, Mia Nguyễn có rất nhiều trải nghiệm về đời sống của một người thuộc LGBTQ+.
Chính vì thế, tại chương trình “Bữa sáng Ruy băng trắng”, cô đã lên tiếng đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBTQ+ trong xã hội. Theo Mia Nguyễn, khái niệm “giới” ngày nay đã khá đa dạng, không chỉ đơn thuần là nữ và nam. Một trong những đối tượng quan trọng được bảo vệ của các chiến dịch bình đẳng giới là phụ nữ. Tuy nhiên, ngày nay có cả phụ nữ chuyển giới, phụ nữ đồng tính, dị tính, phụ nữ và trẻ em không theo chuẩn giới... Thực tiễn xã hội khiến chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn về đối tượng cho chiến dịch.
Mia Nguyễn cũng mong mỏi có thêm sự công nhận của pháp luật đối với cộng đồng LGBTQ+. Theo cô, tình yêu của những con người trong cộng đồng này hiện nay gần như “vô hình” đối với pháp luật và hôn nhân của họ vẫn chưa được pháp luật thừa nhận. Từ thực trạng đó, Mia Nguyễn bày tỏ mong mỏi khi các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin về ngăn chặn bất bình đẳng giới và bạo lực giới thì nên bao gồm cộng đồng LGBTQ+.
Có thể thấy, việc thảo luận và đấu tranh cho quyền bình đẳng giới một cách toàn diện, bao hàm tất cả các đối tượng cần bảo vệ không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà còn là một phần quan trọng của nền văn hóa và xã hội toàn cầu.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-mo-rong-doi-tuong-duoc-binh-dang-gioi-post497273.html