Cần một cơ chế giá

Các nhà đầu tư đang phải chạy đua với thời gian để kịp hưởng mức giá ưu đãi gần 2.000 đồng/kWh chỉ dành cho những dự án điện gió vận hành trước ngày 1-11-2021. Thế nhưng, việc đầu tư điện gió khó khăn hơn điện mặt trời rất nhiều, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều dự án đứng trước khả năng chậm tiến độ.

Sử dụng điện là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất hiện nay. Ảnh minh họa

Sử dụng điện là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất hiện nay. Ảnh minh họa

Trước tình hình này, Bộ Công thương đề xuất xin Thủ tướng Chính phủ cho gia hạn thời gian hưởng giá ưu đãi điện gió đến hết ngày 31-12-2023; sau năm 2023, các dự án điện gió sẽ tiến hành đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.

Lập luận cho đề xuất này, Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, điện mặt trời, điện gió đã và đang thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp phần tăng cường nguồn cung cấp điện cho hệ thống, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.

Tuy nhiên, giá mua điện đang được xem là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư án binh, chờ cơ chế giá mới, dẫn đến dòng tiền đổ vào lĩnh vực này chậm hơn so với dự kiến. Nhất là khi nhiều dự án điện mặt trời không kịp đưa vào vận hành trước ngày 30-6-2019 để được hưởng giá mua ưu đãi 2.100 đồng/kWh, dẫn đến nhiều dự án dở dang, nằm đắp chiếu chờ giá điện mới. Nhưng khi giá mua điện mặt trời mới được ban hành chỉ còn 1.644 đồng/kWh, nhiều nhà đầu tư đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản.

Trong khi điện mặt trời, điện gió đang được trông đợi có thể bù vào phần nào khoảng trống do các dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ để lại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo, nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu khi tổng công suất nguồn điện của hệ thống năm 2020 chỉ đạt khoảng 56.000MW, thấp hơn khoảng 4.000MW so với quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Nếu không triển khai ngay một số giải pháp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và tăng cường mua điện từ các nước trong khu vực, đến năm 2023, lượng điện thiếu tới 13 tỷ kWh, trong khi hiện nay, ngành điện đã phải chạy dầu phát điện gần 11 tỷ kWh.

Chính vì thế, trong thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào điện mặt trời, điện gió đã được kích hoạt và phát huy tác dụng. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 quy định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Nhờ đó, ngành điện đã thu hút được 100 nghìn tỷ đồng của các nhà đầu tư vào điện mặt trời và chỉ trong vòng hơn 1 năm, hơn 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới điện thành công với công suất lắp đặt lên tới gần 4.500MW.

Giống như điện mặt trời, điện gió cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định nâng giá mua điện gió lên 1.928 đồng/kWh theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (đối với các dự án điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh).

Đã có 31 dự án đang được đầu tư xây dựng với tổng công suất 1.645MW được ký Hợp đồng mua bán điện. Ngoài ra, còn hàng trăm dự án với hàng nghìn MW vẫn đang chờ được bổ sung vào quy hoạch.

Rõ ràng khi có một cơ chế giá tốt, nhà đầu tư sẽ quan tâm đến đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Nhưng cơ quan chức năng phải cân nhắc, tính toán thận trọng và kỹ lưỡng với giá mua điện mặt trời, điện gió, bởi nếu tăng giá đột ngột và ở mức cao, sẽ tác động tới giá bán điện cho người tiêu dùng.

Ngoài cơ chế giá, những khó khăn trong thi công, thì vấn đề nhiều doanh nghiệp lo ngại là lưới điện truyền tải liệu có thể theo kịp số lượng lớn công suất của các dự án đưa lên lưới hay không. Điều đó cho thấy, các chính sách đối với năng lượng cần có sự ổn định, nhất quán để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-mot-co-che-gia-post430002.html