Cần một đột phá về thể chế mở đường cho giáo dục đại học
Chiều 5-11, tại Nhà Quốc hội (Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo 'Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học'.
Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì tổ chức với sự phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm góp phần đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 14-11-2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo liên quan đến lĩnh vực giáo dục đại học; góp ý tưởng, luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách lớn về giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Giáo dục đại học có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, mà còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển tri thức, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước, tạo động lực mới cho hội nhập, phát triển bền vững. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách pháp luật được coi là yếu tố then chốt đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức, vận hành; là công cụ hữu hiệu để quản lý phát triển các hoạt động của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội diễn ra theo đúng mục tiêu đã xác định. Nếu được ban hành kịp thời, đồng bộ, phù hợp, có tầm nhìn, khả năng dự báo thì thể chế, chính sách pháp luật sẽ góp phần “soi đường”, tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực phát triển; ngược lại, sẽ gây ra những rào cản đối với sự đổi mới và phát triển.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Thể chế có một số vướng mắc. Tự chủ là thuộc tính của đại học, phải có, cần có, đương nhiên phải có. Quy phạm pháp luật mở đường cho sự tự chủ của giáo dục đại học nhưng chưa có sự mở đường của hệ thống pháp luật khác. Cơ sở giáo dục đại học mà áp dụng như cơ sở sự nghiệp công lập khác thì rất khó để tự chủ. Các nhà khoa học trong các trường là viên chức, nhà khoa học lại cần sự tự chủ rất cao để thực hiện trách nhiệm của mình. Cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để tự chủ đại học. Những gì chồng chéo, mâu thuẫn thì luật khác có thể sửa để mở đường cho giáo dục đại học. Cần một đột phá về thể chế mở đường cho giáo dục đại học.
Hội thảo còn nghe tham luận về Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học của GS, TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; Tự chủ đại học: Chính sách và một số hạn chế với sự phát triển bền vững của giáo dục đại học Việt Nam của GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Cơ chế, chính sách tài chính đối với giáo dục đại học của Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cùng các ý kiến thảo luận khác.
Tin, ảnh: THƯỜNG TRỊNH
Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.