Cần một linkway cho văn hóa

Theo thông tin từ Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, đường Lê Lợi, Quận 1 không chỉ được lắp mái che ở vỉa hè đường trung tâm mà còn được bố trí cây xanh, thiết kế cảnh quan đồng bộ. Việc các thành phố đề ra phương án trồng cây, có tham vọng phủ xanh đô thị không hề mới nhưng cách mà cơ quan chuyên môn này tiếp thu ý kiến góp ý mới là điều đáng nói.

Năm 2017, các nhà khoa học thuộc hai Trường Đại học Sheffield và Warwick nước Anh giải đáp được câu hỏi: “Con gà có trước hay quả trứng có trước?” bằng việc sử dụng một máy tính cực mạnh có tên là HECToR để phóng to cấu tạo của một quả trứng. Và, họ đã phát hiện ra: “một chất protein quan trọng cấu tạo nên vỏ trứng gà nhưng lại chỉ được tìm thấy trong buồng trứng của những cô gà mái” (theo Báo Dân trí). Tuy nhiên, nó đã trở thành một “điển cố” tiêu biểu để nói về sự mâu thuẫn trong lộ trình thực hiện công việc theo kiểu cái gì trước, cái gì sau, vấn đề nào thúc đẩy hay kìm hãm vấn đề nào?

An sinh xã hội thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

An sinh xã hội thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Lâu nay, người dân ở các đô thị thường bức xúc trước sự “hoàn thiện ngược” ở nhiều tuyến đường. Đó là sau khi mặt đường được trải asphalt, người ta mới đào các loại rãnh để lắp ống nước, các đường dây cáp… theo tiết tấu “lấp xuống đào lên” chứ nào dám mong ước cao xa có một linkway (mái che) thực sự. Bởi thế, việc lắp đặt linkway ở đường Lê Lợi không chỉ là một hạng mục kiến trúc mà còn là sự đánh dấu cho nhận thức mới mẻ về kiến trúc, về lợi ích và thụ hưởng thiết thực. Một con đường còn để che mưa nắng chứ không chỉ một màu hồng của phối cảnh và check in…

Nghe đến đây chắc không ít bạn sẽ tặc lưỡi: “Đến một gang tay để đặt bàn chân trên vỉa hè còn đang phải giải tỏa vất vả, mơ gì đến linkway để che đầu”. Suy nghĩ này là rất thực tế, thực tế đến mức không thể phủ định nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ sống mãi với tư duy rời rạc như thế chăng? Bất lực và thụ động thế chăng?

Nếu nhìn rộng ra, sự xuất hiện của các covered linkway (mái che cho lối đi ngoài trời) hay covered walkway (mái che cho lối đi ở hành lang mở) là câu chuyện khá thú vị. Nhận xét về ích lợi mà mái che đem lại, KTS. Trình Phương Quân (hiện đang làm việc tại Singapore) đã có một kết luận: “Tôi luôn nghĩ rằng, lối đi có mái che là một điều hết sức cần thiết với những nước có khí hậu nhiệt đới, nắng nóng và mưa nhiều như Việt Nam chúng ta. Không chỉ mang lại sự tiện lợi, sức khỏe, hệ thống mái che còn kết nối con người với con người. Tại sao chúng ta cần phải bỏ hàng triệu đồng đi tập gym trong những căn phòng đóng kín đầy mùi mồ hôi chạy điều hòa, trong khi đơn giản có thể đi dạo vài kilomet một ngày hít thở không khí trong lành dưới mái che dưới chung cư? Tại sao phải bắt taxi vì ngại đi bộ giữa trời nắng, hay phải đeo khẩu trang và bịt kín mít để bảo vệ làn da? Lối đi có mái che giải quyết tất cả những vấn đề trên” (theo Kiến trúc Việt).

Làm sao để có hướng đi hợp lý, bảo vệ sự phát triển của trẻ nhỏ.

Làm sao để có hướng đi hợp lý, bảo vệ sự phát triển của trẻ nhỏ.

Đọc những dòng này, chúng ta như được khai mở về tư duy kiến trúc, về quy hoach đô thị (nói chung) và cho từng căn nhà (nói riêng). Nhưng, liệu ngoài một linkway hữu hình để che mưa, giảm thiểu sự khắc nghiệt của thiên nhiên, có cần một “linkway của tinh thần”, một linkway của các giá trị thụ hưởng đích thực?

Từ lâu, các nhà giáo dục, các nhà xã hội học đã cảnh báo về một nguy cơ đến từ ngôn ngữ quảng cáo, với mạng xã hội đối với trẻ em ở độ tuổi phát triển lời nói. Vấn đề này sẽ chẳng có gì phức tạp khi các bậc cha mẹ đã và đang nắm trong tay chiếc remote. Có một phong trào đưa con cái đến các thư viện gia đình, đưa con về quê, tức là càng đi ngược lại xu thế công nghệ càng an toàn. Thế nhưng, chính họ cũng chẳng thể né tránh các yêu cầu của giáo dục để cuối cùng vẫn phải cho con mình học ngoại ngữ, tiền tiêu học như lẽ thường.

Chị Lương Thị Minh Thùy (ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ trên VTC New: “Do tiếp xúc với môi trường quốc tế từ nhỏ nên tính cách cháu rất thích thể hiện bản thân, thậm chí gay gắt tranh luận với bố mẹ. Đặc biệt, mỗi lần muốn giải thích vấn đề nào đó hoặc khi tranh luận với bố mẹ, cháu lại không thể nói bằng tiếng Việt mà sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh".

Đọc xong những dòng này, chúng ta hiểu được tâm sự của chị Thùy. Nếu mỗi phụ huynh, mỗi gia đình một dựa vào một chiếc “remote văn hóa” của riêng mình cũng không thể tạo ra một môi trường văn hóa tốt. Tắt và bật, đóng và mở không thể hữu hiệu bằng một chiếc linkway đủ dày dặn, kín đáo mà vẫn thông thoáng để chở che. Vậy các nhà ngôn ngữ học đã nghiên cứu về điều này chưa, họ đã tìm ra cách nào để giúp người trẻ vừa tiếp thu văn hóa vừa giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc. Xem ra còn thiếu những “linkway” thực sự cho văn hóa như thế lắm.

“Linkway văn hóa” chính là hiệu quả phúc lợi xã hội. Trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, (xuất bản năm 2000, tr.790) đã định nghĩa: “Lợi ích mà mọi người được hưởng không phải trả tiền hoặc chỉ phải chi trả một phần”. Ví dụ “Nâng cao phúc lợi của nhân dân, các công trình phúc lợi, quỹ phúc lợi của xí nghiệp”.

Cần những linkway đem lại lợi ích cho người dân.

Cần những linkway đem lại lợi ích cho người dân.

Thực ra, các chính sách phúc lợi xã hội ở nước ta đã được quan tâm từ lâu. Theo thống kê, Việt Nam đã dành 21% ngân sách nhà nước cho phúc lợi xã hội, mức cao nhất trong khối ASEAN. Có điều, sự cụ thể hóa chính sách phúc lợi ấy như thế nào, có tạo thành chủ nghĩa nhân văn (humanism) thực sự hay không? Bởi tính nhân văn ấy cần phải được thể hiện cả trong việc tạo ra môi trường sống về vật chất, tinh thần. Phúc lợi xã hội đâu chỉ có trong lĩnh vực hạ tầng, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trước những tác động của hội nhập hay hướng đi của kiến trúc thân thiện trước tác động của môi trường… cũng chính là biểu hiện cụ thể nhất của tính nhân văn ấy. Đặc biệt, cần những chính sách phúc lợi, an sinh xã hội thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tác động mạnh mẽ về việc làm, thông tin, cơ hội phát triển…

Nhưng, liệu những “linkway của văn hóa” có trở thành sự bao bọc đối với con người một cách thái quá hay không? Người viết nghĩ rằng, từng cá nhân cũng như xã hội đều có khả năng thích nghi với thử thách nhưng cũng cần một sự hoạch định mang tính khoa học để tránh những “khắc nghiệt” do chính xã hội tạo ra.

Đến đây, người viết bỗng nhớ đến câu chuyện mà chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu (nghiên cứu sinh của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đề cập: “chương trình Toán phổ thông của Việt Nam tương đương với năm nhất đại học chuyên ngành Toán ở các trường đại học lớn trên thế giới” (theo Vietnamnet). Vậy bao năm qua, người học có thực sự được “trao cơ hội để trải nghiệm và trưởng thành” (nhà giáo Giáp Văn Dương) hay họ đã phải thích nghi với sự “khắc nghiệt” không đáng có kia?

Người viết tin rằng, nếu như thành phố có nhiều mái che thì sẽ có không ít người dân sử dụng các phương tiện công cộng thay vì ô tô cá nhân bởi chính họ cũng hiểu được khó khăn trong việc di chuyển và tìm chỗ đỗ xe. Đường sẽ bớt ùn tắc, giảm khí thải và tai nạn giao thông… Nếu như có một chiến lược bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt thì chắc hẳn hàng năm phụ huynh sẽ không phải lo lắng về sự phát triển của con em mình. Nếu như có sự gắn kết giữa quyền lợi và trách nhiệm thì ý thức người dân sẽ được nâng cao để cộng đồng không phải chia sẻ hình ảnh rác ngập đường sau giao thừa, Noel, karaoke “tra tấn” các khu dân cư.

Nếu chỉ cần cấm và phạt thì chưa đủ, thiết nghĩ hãy tạo ra hướng để mọi người phát triển theo xu hướng tốt nhất cho xã hội.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/can-mot-linkway-cho-van-hoa-i689098/