Cần một lộ trình căn cơ
Giải quyết triệt để vấn đề quá tải trường lớp, nhất là ở những địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp không hề dễ dàng khi nguồn lực đầu tư có hạn, trong khi sĩ số học sinh mỗi năm học lại một tăng.
* Trường mới không theo kịp sĩ số học sinh
Mỗi năm học mới đến sĩ số học sinh của tỉnh lại tăng khoảng gần 20 ngàn em, trong đó riêng TP.Biên Hòa chiếm đến một nửa số học sinh tăng này.
Năm học mới 2019-2020 sắp đến, thống kê của các phường, xã báo cáo lên Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho thấy, sĩ số học sinh lại tiếp tục tăng trên 8.300 em, tập trung nhiều ở phường Trảng Dài, Long Bình, Phước Tân, Tân Hiệp. Như vậy Biên Hòa sẽ cần đến 237 phòng học cho số học sinh tăng thêm trong năm học sắp tới này.
Trong số 170 phường, xã trong tỉnh, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) đang là đơn vị duy nhất chưa có trường mầm non công lập; một đơn vị khác của TP.Biên Hòa là Tân Phong hiện chưa có trường THCS. Chị Hoàng Thanh Vy, ngụ phường Thống Nhất kiến nghị: “TP.Biên Hòa cần đẩy nhanh xây trường mầm non công lập tại phường Thống Nhất càng sớm càng tốt, bởi nhu cầu gửi trẻ độ tuổi mầm non tại phường rất lớn nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón và chi phí”.
* Cần nguồn lực lớn
Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa: Đầu tư lớn nhưng vẫn chưa đủ
Lãnh đạo tỉnh và TP.Biên Hòa dành rất nhiều sự quan tâm để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, nhưng dân số cơ học không ngừng tăng khiến cho nỗ lực đầu tư xây dựng trường lớp không theo kịp. Trung bình sĩ số lớp ở bậc tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa là 46 em/lớp và cần phải có nhiều giải pháp căn cơ hơn nữa cho việc giảm áp lực trường lớp trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, Phòng GD-ĐT đã tham mưu cho UBND thành phố có lộ trình xây dựng trường học trung và dài hạn đến năm 2025 nhằm giải quyết tình trạng quá tải trường lớp. Dự kiến năm 2019-2020 thành phố sẽ có 18 công trình trường học được xây mới và nâng cấp tại các phường, xã trên địa bàn TP.Biên Hòa, trong đó tập trung vào những “điểm nóng” về quá tải trường lớp như các phường Trảng Dài, Long Bình, Tân Hiệp. Riêng đối với xây trường mầm non tại phường Thống Nhất hiện thủ tục xây dựng cơ bản đã Hoàn thành và dự kiến khởi công trong năm 2019.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng việc xây dựng thêm trường lớp đang còn gặp nhiều khó khăn vì nguồn lực đầu tư cần rất lớn, trong khi ngân sách đầu tư lại có hạn. Mặt khác, khi triển khai xây dựng trường mới việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng rất khó khăn. Ông Minh dẫn chứng, công trình xây dựng Trường tiểu học Trảng Dài 2 dù đã đưa vào sử dụng 1 năm học nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong vì thiếu quỹ đất tái định cư.
Ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch (Sở GD-ĐT) thì cho biết, việc giảm tải trường lớp không chỉ là xây thêm trường mà còn liên quan đến công tác biên chế giáo viên. Khó khăn hiện nay là tỉnh đang phải thực hiện chủ trương chung của cả nước là giảm biên chế, do đó Sở đang tiếp tục rà soát địa phương nào không sử dụng hết biên chế sẽ thực hiện cắt và chuyển về cho địa phương còn thiếu để đáp ứng đủ giáo viên khi tăng trường lớp.
NGND-TS.Đỗ Hữu Tài, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng nguồn lực của tư nhân còn rất lớn, nhiều người muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên cần phải có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện tốt, nhất là khâu thủ tục đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, vì đây chính là những “nút thắt” cản trở nhà đầu tư.
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, tình hình trường lớp ở các huyện cơ bản đã đảm bảo, không bị quá tải, thậm chí trường chuẩn quốc gia ở nông thôn nhiều hơn thành thị. Riêng với địa bàn TP.Biên Hòa, Sở đang tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều cơ chế tạo điều kiện cho tư nhân tham gia xã hội hóa giáo dục, xây dựng thêm các trường ngoài công lập ở các cấp học nhằm chia sẻ nguồn lực với Nhà nước.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201907/can-mot-lo-trinh-can-co-2954168/