Cần mức giá chấp nhận được

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-BTC về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão số 3 (Yagi). Công điện yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung - cầu trên địa bàn, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, giám sát tại các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm, siêu thị, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, đầu cơ và xử lý nghiêm các hành vi này, đồng thời tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa.

Câu chuyện giá cả lương thực, thực phẩm tăng sau bão đã khá quen thuộc và không còn bất ngờ với nhiều người. Tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, giá của bó rau, con cá tăng gấp đôi, một ký thịt tăng vài ba chục ngàn đồng là lẽ thường tình. Những tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng vẫn trong cảnh bị “té nước theo mưa” cũng không còn xa lạ.

Sản xuất khó khăn, chi phí đầu vào tăng, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá cả tăng theo là điều bình thường. Và nếu là quy luật thị trường, cộng đồng cũng phải đồng cam cộng khổ, chia sẻ với người nông dân, nhà sản xuất. Nhưng nếu lợi dụng thiên tai để tăng giá hàng hóa, cả trong sản xuất kinh doanh và trong đời sống, điều đó không có gì tồi tệ bằng. Bởi đó là sự trục lợi trong sự khốn khó của cộng đồng, trục lợi từ sự khó khăn của nhà nông, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Đồng bào bị thiên tai, người dân mọi miền Tổ quốc đều đau đáu một niềm thương, đồng lòng hướng về những gia đình hoạn nạn, địa phương bị tàn phá. Từ người già tới trẻ em, từ nông dân tới doanh nghiệp, từng cá nhân tới tập thể, đang bằng mọi cách có thể, không ngại thức xuyên đêm để may từng tấm chăn, nấu từng nồi cơm nắm lại gửi đi giúp đồng bào mình ấm hơn trong những ngày bão lũ… Các nguồn lực vẫn tiếp tục được vận động, tiếp tục nhận quyên góp ủng hộ.

Nhiều gia đình mất người thân, mất nhà cửa, mất hoa màu, vật nuôi. Sau bão có người trở thành trắng tay, có thể phải nhờ vào sự hỗ trợ từ nhà nước, cộng đồng trong một thời gian dài mới dần dần phục hồi trở lại. Ngay lúc này, giá cả thực phẩm, rau củ lại tăng cao, người dân khó lòng ổn định cuộc sống khi khó chồng khó, khổ chồng khổ. Với cả những người đang kêu gọi hỗ trợ, điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ kết quả gom góp, giúp đỡ của họ.

Ai cũng vì đồng bào mình mà cho đi, vì vậy nếu có “con sâu làm rầu nồi canh” cũng chỉ là số ít trường hợp cá biệt và ắt hẳn sẽ bị cả cộng đồng lên án, pháp luật xử lý nghiêm minh. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, hy vọng tình người sau bão lũ không chỉ là “tương thân tương ái”, đùm bọc nhau, mà còn là sự sẻ chia, thấu hiểu và làm cho phẩm giá của người Việt Nam đẹp hơn. Bởi bão lũ có thể cuốn đi bao tài sản, của cải, vật chất và cả tính mạng của nhiều người, nhưng với dân tộc Việt Nam, thiên tai dù có khốc liệt như thế nào cũng không thể nhạt phai được truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái”, “nhường cơm sẻ áo” đã có ngàn đời nay.

Truyền thống ấy và sự thấu hiểu sau thiên tai ập xuống hôm nay, là cần có một mức giá chấp nhận được với cả người làm ra bó rau, con cá, cả đơn vị phân phối trung gian và với cả người tiêu dùng. Bởi tất cả đều bị thiệt hại nặng nề, đều đang gặp khó khăn. Vì thế, rất cần có cả chế tài, nhắc nhở như Công điện của Bộ Tài chính và cần cả lương tâm của mỗi người.

Hồng Cúc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163003/can-muc-gia-chap-nhan-duoc