Cần nâng cao nhận thức về an ninh quốc phòng cho sinh viên Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng hiện là Phó giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (APD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là giảng viên và là một nhà nghiên cứu khoa học.
Ông cũng là chuyên gia tư vấn về thuế, quản trị tài chính doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, quản trị nhân sự, tư vấn chiến lược tại các tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tổng công ty Tài chính dầu khí (PVFC), Tổng công ty bảo hiểm PVI, Công ty Tái bảo hiểm PVI Re, Ban trù bị thành lập ngân hàng Dầu khí, Tổng công ty du lịch Công đoàn, Phòng an ninh Kinh tế - Công an Tp. Hải phòng, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC)...
+ Xin chào tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng. Chúng tôi rất hân hạnh khi được trò chuyện cùng ông ngày hôm nay. Là một giảng viên đại học và hiện nay đang giữ vị trí là Phó giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, chắc hẳn ông cũng đã nghiên cứu sâu và có nhiều am hiểu về các vấn đề giáo dục ở Việt Nam. Vậy trong chương trình giáo dục đào tạo đại học, liệu có các chương trình học có liên quan đến An ninh Quốc phòng (ANQP)?
- Tất nhiên là có rồi, nhiều là đằng khác. Nội dung giáo dục về ANQP luôn có vai trò cực kỳ quan trọng trong Chương trình giáo dục đại học, có thể có các môn học là những môn học chuyên sâu hoặc được đề cập và lồng ghép trong các môn học khác. Điển hình là các môn học lý luận chính trị như “Lịch sử Đảng”, “Triết học Mác Lênin”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh”… hay các môn học liên quan đến pháp luật, quan hệ quốc tế. Bên cạnh các môn học như thế còn có các chuyên đề giới thiệu cho sinh viên vào đầu kỳ, trước khi sinh viên nhập học hoặc đầu mỗi năm học. Chuyên đề về ANQP đặc biệt có nhấn mạnh đến an ninh phi truyền thống (ANPTT) được các giảng viên cung cấp cho các em sinh viên các vấn đề an ninh liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như văn hóa, kinh tế, giáo dục, đối ngoại…; các thầy cô sẽ cập nhật cho sinh viên các vấn đề đang xảy ra hàng ngày để các em có thể nhận diện được các nguy cơ phía trước ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, giúp các em nhận thấy được vai trò trách nhiệm của người chủ tương lai của đất nước.
- Vấn đề đầu tiên là phải nhận thức được và nâng cao bản lĩnh chính trị đồng thời biết được phương pháp để đối phó. Nhận thức được rồi nhưng phải biết được phương pháp để đề phòng cũng như đấu tranh chống lại các nguy cơ cũng như thách thức đối với ANQP. Nếu chúng ta không có phương pháp thì đôi khi hậu quả còn nặng nề hơn. Ví dụ như, những vấn đề liên quan đến những tư tưởng cực đoan, nếu chúng ta cấm đoán tiếp cận những thông tin trên mạng xã hội hay là hạn chế các vấn đề giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới thì vô hình chung, chúng ta đã ngăn trở sự phát triển của đất nước, ngăn trở hội nhập với thế giới. Như thế thì thật là đáng tiếc. Chúng ta phải hiểu và đánh giá được cái gì đúng, cái gì chưa, cái gì có lợi, cái gì có hại. Những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đến sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cần phải đấu tranh và loại bỏ. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ đấu tranh bằng các phương pháp truyền thống, bằng những phương tiện vũ khí, khí tài mà ở đây là trên mặt trận tư tưởng, trên các biện pháp về mặt tinh thần. Ví dụ như các biện pháp vận động, tuyên truyền, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu, lấy tư tưởng văn minh hiện đại, tích cực, tốt đẹp để làm lu mờ các tư tưởng lệch lạc, tiêu cực.
Đối với sinh viên, quan trọng nhất là các em cần chủ động để nhận thức được những nguy cơ đó và nâng cao bản lĩnh chính trị để đối phó được với những thế lực thù địch tinh vi và khó lường đó.
+ Theo chúng tôi được biết, hiện tại trong các cơ sở giáo dục đại học thì có chương trình học về Quốc phòng cho sinh viên. Chúng tôi muốn hỏi, đấy có phải là một trong những biện pháp mà nhà trường đã đưa ra để khơi mở và giảng dạy thêm cho sinh viên ý thức về vấn đề ANQP không?
- Bạn nói hoàn toàn đúng. Như chúng tôi đã đề cập, trong các chương trình đào tạo có những chương trình chính khóa, các chuyên đề liên quan đến ANQP, đặc biệt đây lại là một trong những điều kiện chuẩn đầu ra của sinh viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rồi. Các sinh viên phải đáp ứng, phải có các chứng chỉ về ANQP. Khóa học về ANQP thường kéo dài 4 tuần. Nó bao gồm cả phần lý thuyết và thực hành. Cũng như các vấn đề về phát triển đất nước, ANQP cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong quá trình đào tạo sinh viên của chúng tôi.
Bên cạnh thời gian thực tiễn trên thao trường, sinh viên còn có các chương trình đi tham quan một số các địa điểm trong khu vực như di tích lịch sử, bảo tàng lịch sử, nơi tưởng niệm các anh hùng dân tộc … Qua đó, sinh viên ý thức được nhiều hơn, được rèn luyện, nhận thức được trách nhiệm của cá nhân mình đối với đất nước.
+ Thưa ông trên thực tế, chúng tôi cảm nhận rằng trong bối cảnh hiện nay, các vấn đề an ninh nói chung, ANPTT nói riêng, không phải ai cũng có thể nắm bắt được. Mức độ tiếp cận về ANPTT cũng chỉ ở một số các chuyên gia nghiên cứu về ANQP, những người đã đi làm quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội của đất nước hay những người hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến ANPTT? Còn đối với một bộ phận người dân nói chung, đặc biệt là sinh viên hiện nay, có lẽ khái niệm về ANPTT vẫn là một khái niệm chưa thực sự là thường trực đối với các em phải không?
- Tôi cho rằng khái niệm về ANPTT ngày trước có thể gọi là mới, nhưng bây giờ tôi nghĩ nó không còn mới nữa. Nó khá là phổ biến không chỉ đối với những chuyên gia nghiên cứu hay những người đang hoạt động trong các lĩnh vực ANQP mà theo tôi, vấn đề này nó cũng đã được rất nhiều các cơ quan báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa lên, đã được người dân nói chung tiếp nhận, tìm hiểu. Tôi cũng nghĩ rằng, chuyện tiếp cận của mọi người dân nói chung và sinh viên nói riêng về ANQP là thuận lợi. Vấn đề là nhận thức cần phải đầy đủ và toàn diện.
+ Thời gian tới chúng ta có nên đưa ra các chương trình hội thảo hay tọa đàm khoa học ở tầm quốc gia về vấn đề về an ninh mà đối tượng cần hướng tới để truyền thông và phổ cập thậm chí là khách mời của chúng ta lại là sinh viên?
- Tôi nghĩ rằng, việc tổ chức hội thảo, tọa đàm đây cũng là một ý kiến rất hay và rất cần thiết. Bên cạnh các chuyên môn nghiệp vụ, các kiến thức về văn hóa, các kỹ năng khác như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng khác để phát triển bản thân thì nhà trường cũng đã tổ chức những hoạt động ngoại khóa như tôi đã nói ở trên. Ngoài việc tiếp cận một cách thụ động ở các bài giảng ở trường thì các bạn sinh viên cũng đã chủ động tiếp cận các vấn đề trên các phương tiện truyền thông báo chí ví dụ truyền hình, phát thanh, các kênh thời sự thường xuyên đề cập đến các vấn đề an ninh của chúng ta, hay các ấn phẩm báo chí, mạng Internet, mạng xã hội…vv. Tuy nhiên, nếu chuyên đề về ANQP được tổ chức hội thảo hay tọa đàm mà đối tượng hướng tới là sinh viên thì các nội dung đó sẽ được phân tích sâu hơn, nhiều chiều cạnh và tập trung nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ giúp các em sinh viên nhận thức sâu sắc hơn các vấn đề về ANQP hiện nay.
+ Kẻ thù của loài người bây giờ đa dạng và phức tạp hơn nhiều so với trước đây, đó là ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, là tội phạm công nghệ, khủng bố văn hóa đang tràn khắp thế giới… Sinh viên chúng ta có nên được tiếp cận những mối đe dọa mang tính chất như vậy không? Và trải nghiệm những điều đó ngay trên thực tế?
- Theo tôi, những vấn đề đó nếu có thể trải nghiệm bằng thực tiễn sẽ giúp nhận thức trực quan và sâu sắc hơn. Tuy nhiên, những vấn đề chỉ có thể trải nghiệm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ví dụ những vấn đề biến đổi khí hậu như động đất, sóng thần chẳng hạn, rõ ràng việc tiếp cận được trực tiếp nó thì rất khó khăn. Có những vấn đề mà chúng ta có thể đưa sinh viên đi được với kinh phí cho phép như trải nghiệm bờ biển, dòng sông ô nhiễm, khu đất, khu ruộng bị bỏ hoang bởi bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, nhiễm độc tố, thì các vấn đề đó hoàn toàn có thể tiếp cận được. Kể cả những vấn đề về an ninh văn hóa, chúng ta hoàn toàn có thể đưa các em đến các rạp chiếu hay các trung tâm văn hóa để các em trải nghiệm với các ấn phẩm văn học nhằm giúp cho các em có thể nhận thức được các vấn đề độc hại về văn hóa đang len lỏi trong cuộc sống của người dân nói chung với sinh viên nói riêng.
+ Trong tương lai, ở APD, ông có nghĩ rằng sẽ có một chương trình có quy mô quốc gia để cho các em sinh viên có thể tiếp cận một cách sâu sắc và toàn diện hơn nữa về các vấn đề ANQP ở Việt Nam hiện nay không? Và trách nhiệm của các bạn ấy sẽ được thể hiện như thế nào đối với sứ mệnh bảo vệ tổ quốc, đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia?
- Việc tổ chức hội thảo hay tọa đàm về ANQP là rất cần thiết và sẽ được Học viện thực hiện một cách sớm nhất. Hiện tại chúng tôi đang thực hiện dự án nghiên cứu về Kinh tế tuần hoàn để hướng tới một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Đấy cũng chính là một trong những nội dung liên quan đến các phương thức đối phó với biến đổi khí hậu, đối phó với việc cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta làm thế nào để có thể tăng được thời gian tuần hoàn của các nguyên liệu từ thiên nhiên trong thực tế, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu - một trong những thách thức của ANPTT. Đây là một ví dụ thôi, chúng tôi còn rất nhiều các chương trình, các đề tài nghiên cứu khác như vấn đề tăng trưởng xanh, các mục tiêu phát triển bền vững… Qua các nghiên cứu như vậy thì những đề xuất về chính sách của chúng tôi sẽ được lan tỏa nhiều hơn tới cơ quan Chính phủ, đặc biệt tới cộng đồng. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi - những người làm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng như là của tất cả những sinh viên đối với sứ mệnh bảo vệ tổ quốc của chúng ta.
- Trân trọng cảm ơn ông!