Cần nâng cao văn hóa ứng xử với bạn bè, thầy cô trên giảng đường
Sự việc nữ sinh viên đòi đuổi giảng viên ra khỏi lớp, đã đặt ra vấn đề cần xây dựng, nâng cao văn hóa ứng xử với bạn bè, thầy cô.
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao khi một nữ sinh viên một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh bị buộc thôi học do tát bạn, đáng nói, nữ sinh này còn lớn tiếng đuổi giảng viên ra ngoài.
Về vấn đề này, đại diện nhà trường cho biết, sự việc xảy ra vào chiều 28/11, người có hành vi phản cảm trên là sinh viên P.N.C.V (SN 1997, K23 ngành Thiết kế thời trang). Nhà trường xác định, C.V đã vi phạm quy chế người học của nhà trường. Với hành vi không chuẩn mực khi giao tiếp với giảng viên bộ môn, đánh bạn trong giờ học, trường đã xử lý sinh viên theo quy chế người học ở mức cao nhất là buộc thôi học.
Về kết quả này, nhiều độc giả đã cho ý kiến đồng tình với cách xử lý của trường và bày tỏ sự ngán ngẩm với một bộ phận sinh viên hiện nay, trong cách xây dựng văn hóa ứng xử với bạn bè, thầy cô. Đặc biệt, khi đây là những người trên 18 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay những sinh viên gen Z rất năng động, ứng xử văn minh, nhưng trong số đó vẫn còn tồn tại một bộ phận có thái độ bất cần, thiếu lịch sự và ứng xử chưa phù hợp. Bộ phận này có hành động muốn chứng tỏ bản thân và không lắng nghe lời khuyên của những người xung quanh.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến bày tỏ quan điểm, có thể sinh viên có vấn đề về tâm lý, không kiềm chế hành vi và nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân, đồng thời có thể cho nữ sinh viên này có thêm một cơ hội để sửa sai...
Hiện nay, xây dựng văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 01/6/2022 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị nêu rõ, văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.
Bên cạnh đó, cũng cần phải coi trọng sự gắn kết giữa nhà trường với gia đình trong xây dựng văn hóa học đường. Phụ huynh nên có sự phối hợp cùng nhà trường, trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt, gần gũi, chia sẻ thông tin; kịp thời phát hiện và giúp các em điều chỉnh những nhận thức, hành vi có biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa. Phụ huynh cần là tấm gương về cách hành xử văn hóa cho các em.
Từ sự việc của nữ sinh viên tát bạn, đòi đuổi giảng viên ra khỏi lớp ở trên, dư luận đặt ra vấn đề làm thế nào nâng cao hơn văn hóa ứng xử tại học đường?
Các chuyên gia cho rằng, khi chuyển trạng thái từ học sinh để trở thành sinh viên, việc rèn luyện đạo đức, văn hóa của sinh viên càng đa dạng hơn. Văn hóa học đường, đạo đức sinh viên còn được tiếp nhận qua các môn học về kỹ năng giao tiếp, các hoạt động ngoại khóa và các khóa học về kỹ năng khác.
Theo đó, mỗi người, trong những khoảng thời gian nào đó đều có những khó khăn nhất định, vì vậy có thể có hành xử không chuẩn mực, không đúng với đạo đức và văn hóa sinh viên.
Ngoài ra, các hoạt động tư vấn tâm lý, tham vấn tâm lý, các bộ phận hỗ trợ sẽ góp phần trong hoạt động giảm thiểu, ngăn ngừa những hoạt động, hành vi bột phát, vi phạm đạo đức, văn hóa cho sinh viên. Hoạt động tư vấn, tham vấn tâm lý hầu hết đều có tại các nhà trường, sinh viên nên tiếp cận để được hỗ trợ, từ đó hạn chế được những hành vi, kết quả không mong muốn, làm phương hại đến bản thân, gia đình và cả nhà trường.
Đáng nói, việc tư vấn, tìm hiểu tâm sinh lý học sinh sinh viên cũng rất quan trọng trong việc chia sẻ thẳng thắn với giáo viên, với bạn bè những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc. Từ đó, tránh những vấn đề về bạo lực học đường, văn hóa ứng xử với bạn bè, thầy cô đi ngược lại với chuẩn mực không đáng có.