Cần nâng cao ý thức trong việc đưa, đón con đi học
Ngày 4/5 vừa qua có thể xem là một sự kiện khi toàn bộ học sinh các cấp được trở lại trường sau thời gian nghỉ dài (từ Tết Nguyên đán đến nay, hơn 3 tháng).
Để đón học sinh trở lại trường, toàn ngành Giáo dục, nhà trường, thầy cô giáo đã nỗ lực đảm bảo các điều kiện an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Từ việc dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc khử trùng khuôn viên trường lớp học, bố trí phương án giãn cách chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, đến soạn lại giáo án theo nội dung tinh giản, quản lý việc học, việc chơi của các em tránh tiếp xúc, tập trung đông... đều được chuẩn bị chu đáo. Mọi diễn biến, sinh hoạt của học sinh trong trường, lớp diễn ra trong kịch bản được chuẩn bị. Chỉ trừ thời điểm đầu giờ tới trường và khi tan học, nhất là các trường tiểu học.
6 giờ 20 và 13 giờ 20 là lúc cao điểm các em đến trường. Những ngày này, trước khi vào cổng, học sinh phải dừng lại đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn, bởi vậy số lượng học sinh và phụ huynh dồn lại đông hơn. Phụ huynh nào cũng sợ con trễ giờ, và vội vã đi làm nên tất cả dồn tới trước cổng trường mà chẳng chịu nhường nhau, xếp hàng thứ tự. Các thầy cô giáo làm nhiệm vụ phải hoạt động hết công suất để thao tác nhanh nhất có thể. Ai cũng vã mồ hôi.
Chứng kiến giờ tan học buổi trưa còn “ngộp thở” hơn. Mọi sự chuẩn bị, nỗ lực của nhà trường, giáo viên trong việc thực hiện phòng chống dịch COVID-19 bỗng dưng không còn tác dụng khi phụ huynh tập trung “đông đặc” trước cổng trường để chờ đón con, em. Trời nắng, lại tập trung đông người, ai cũng mồ hôi nhễ nhại, nhiều người không còn đủ kiên nhẫn để đeo khẩu trang. Xe máy chật như nêm trước cổng trường, tràn xuống lòng đường.
Ai cũng muốn nhanh chóng đón con mình sớm và thoát khỏi vòng vây. Nhưng thật khó để tìm ra con mình giữa cảnh nhiều học sinh mặc đồng phục tan giờ học cùng một lúc. Bên ngoài cổng trường, phụ huynh lô nhô chen lấn. Một vài người thở dài, chấp nhận đứng đợi con từ xa. Nhưng chỉ được một lúc, có người lại “nóng ruột” xông vào khu vực đang đông người để con nhìn thấy và được đón sớm. Không còn phụ huynh nào nhớ mình vẫn đang thực hiện tránh tiếp xúc gần, tránh tập trung đông người để phòng chống dịch COVID-19.
Học sinh rời khỏi lớp, theo điều hành của giáo viên, ban đầu còn đi hàng một, trật tự, nhưng ra tới sân trường thấy bố mẹ chờ đón đã ào ra, nhanh chóng tạo thành đám đông. Những băng rôn, bảng hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trước cổng trường thời điểm ấy thành ra cản trở, vướng víu, không có tác dụng.
Hiện tượng xô bồ, chen lấn, mất trật tự trong việc đưa con đầu giờ và đón con tan trường ở các trường tiểu học (các cấp học khác hiện tượng này đỡ hơn) không phải là không có cách giải quyết. Chỉ cần có sự điều phối hài hòa, khoa học từ phía nhà trường và ý thức từ phía phụ huynh. Nhà trường cần tăng cường giáo viên làm công tác đo thân nhiệt để tránh ùn ứ; khi tan học cần điều phối thứ tự từng lớp ra về, đồng thời thông báo bằng loa để phụ huynh bên ngoài không chen lấn. Những phụ huynh đưa, đón con cần chủ động giãn cách vị trí và thời gian, đứng từ xa theo thứ tự và chờ tới lượt; đồng thời lắng nghe và thực hiện nghiêm túc sự điều phối của nhà trường, thầy cô giáo.
Con ai người ấy quý, nhưng chúng ta cần phải biết rằng thực hiện việc tránh tập trung đông người để phòng, chống dịch trong thời điểm này là bắt buộc và cần phải trở thành ý thức, văn hóa.