Cần ngăn chặn bạo hành với trẻ nhỏ

Thời gian gần đây, dư luận xã hội liên tục rúng động trước hàng loạt vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng, diễn ra ngay giữa đời sống thường nhật. Đáng báo động là các vụ việc không chỉ ngày một nhiều mà còn tàn nhẫn, công khai, thể hiện sự suy đồi về đạo đức và sự buông lỏng trong giáo dục, giám sát trẻ em.

Vết bầm trên lưng bé gái ở phường Bồ Đề. Ảnh: TT

Vết bầm trên lưng bé gái ở phường Bồ Đề. Ảnh: TT

Báo động đỏ

Tối 8-7, gia đình bé gái sinh năm 2021, đang theo học tại Trường Mầm non Gia Thụy (phường Bồ Đề) đã trình báo cơ quan chức năng địa phương vì con bị cô giáo đánh đập, thậm chí bị ném vào tường. Vụ việc chỉ được phát hiện khi gia đình tắm cho bé và thấy những vết bầm tím lớn. Sau khi trích xuất camera, hành vi bạo lực bị phơi bày, khiến người xem không khỏi rùng mình. Đáng nói, theo gia đình, đây không phải lần đầu bé bị đánh.

Trước đó, ngày 5-7, mạng xã hội đã lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh tượng gây ám ảnh, một bé trai bị xích chân, trói tay, kéo lê trên đường phố ở Hải Phòng bởi chính cha ruột của mình. Chỉ vì nghi ngờ con lấy trộm tiền và điện thoại, người cha đã treo ngược con, đánh bằng gậy gỗ, bàn chải, rồi dùng xe máy kéo lê con trên đường. Khi bị phát hiện, cháu bé hoảng loạn cầu cứu trong tình trạng chảy máu và đa chấn thương.

Cũng trong tháng 7, mạng xã hội dậy sóng với video ghi cảnh hai thiếu niên bị đánh bằng nhiều vật dụng tại một tiệm game ở phường Tân Thới Hiệp (thành phố Hồ Chí Minh). Thủ phạm là chủ quán Internet, không chỉ dùng tay chân mà còn dùng nắp thùng, mũ bảo hiểm để đánh liên tiếp vào đầu, vào mặt các em, kể cả khi các nạn nhân đã gục ngã.

Sau khi vụ việc và clip liên quan đến các vụ bạo hành trẻ em lan truyền, lực lượng chức năng và công an các địa phương đã khẩn trương vào cuộc điều tra xử lý nghiêm theo phản ánh, với các vụ việc có chứng cứ rõ ràng, các nghi phạm đã bị bắt khẩn cấp, chờ xử lý theo pháp luật.

Bạo hành trẻ được xác định có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do bởi tư duy lệch lạc của người lớn, coi bạo lực là một phương pháp giáo dục, thể hiện qua những quan niệm cổ hủ như “yêu cho roi cho vọt” hoặc do sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, không nắm rõ quyền trẻ em. Vì vậy, một số người sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, xả stress hoặc trút giận, bất chấp hậu quả. Ngoài ra, nhiều vụ việc xảy ra nhưng không được phát hiện hoặc bị giấu nhẹm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe, còn sự giám sát, can thiệp từ cộng đồng lại thiếu kịp thời.

Theo dõi các vụ việc trên, chị Nguyễn Thị Lan Anh, phường Từ Liêm, cho biết: “Là người mẹ, tôi rất bức xúc bởi cách người cha hành xử bạo lực với con mình rồi biện minh đó là cách dạy dỗ. Dù con phạm lỗi bởi lý do gì thì việc xích con lại rồi kéo lê trên đường là hành vi vô nhân tính, không thể chấp nhận được. Trong thực tế, có nhiều người vẫn mang tư duy “con tôi, tôi dạy” hoặc “thương cho roi cho vọt”, người ngoài không được can thiệp. Tuy nhiên, đó là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm minh theo luật định”.

Anh Nguyễn Văn Trường, phường Xuân Đỉnh chia sẻ: “Lực lượng chức năng xử nghiêm người có hành vi bạo hành trẻ em là cần thiết nhưng tôi nghĩ điều cốt lõi là phải thay đổi tư duy của người lớn. Nếu người lớn thiếu kỹ năng làm cha mẹ, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, thì chính họ cũng cần được giáo dục, trang bị thêm kiến thức”.

Cơ quan điều tra tống đạt lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng bạo hành các cháu bé ở quán Internet tại phường Tân Thới Hiệp (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Công an cung cấp.

Cơ quan điều tra tống đạt lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng bạo hành các cháu bé ở quán Internet tại phường Tân Thới Hiệp (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Công an cung cấp.

Hậu quả của bạo hành trẻ em không dừng lại ở những vết thương trên người. Nhiều nạn nhân phải sống cả đời với những vết sẹo tâm lý, tự ti, trầm cảm, mất phương hướng, thậm chí có xu hướng bạo lực.

Với gia đình, những đứa trẻ bị bạo hành sẽ cần sự chăm sóc y tế và hỗ trợ tâm lý kéo dài.

Với xã hội, đây là mất mát lớn về nguồn nhân lực, một thế hệ tổn thương sẽ khó tạo dựng một tương lai bền vững.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Phương Thảo, Công ty Luật TNHH Công lý toàn dân phân tích: “Bạo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật; xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm và sự an toàn của trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em 2016. Đặc biệt, hành vi của các đối tượng mà bài viết đề cập cho thấy có dấu hiệu cấu thành tội “Hành hạ người khác” theo điểm a khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, khi nạn nhân là người dưới 16 tuổi và hành vi có sử dụng công cụ nguy hiểm. Ngoài ra, nếu có kết quả giám định thương tích dưới 11%, các đối tượng có thể bị truy cứu thêm về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134, bởi nạn nhân là trẻ em và có hành vi sử dụng hung khí. Đối với trường hợp người cha kéo lê con ngoài đường, hành vi này được xác định có tính chất lặp lại, kéo dài trong môi trường gia đình, người cha có thể đối mặt với tội danh “Ngược đãi người thân” theo Điều 185 Bộ luật Hình sự”.

Với những quy định nghiêm ngặt của pháp luật, người lớn cần chấm dứt ngay tư tưởng “dạy dỗ bằng roi vọt”. Cha mẹ, người thân, giáo viên… là những người gần gũi trẻ nhất phải là người đầu tiên hiểu rằng giáo dục không bao giờ đồng nghĩa với bạo lực.

“Cần nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng, khuyến khích người dân phát hiện và tố giác kịp thời các hành vi bạo hành trẻ em. Chính quyền cần củng cố đường dây nóng bảo vệ trẻ em, có cơ chế phản ứng nhanh để xử lý, cách ly và hỗ trợ nạn nhân. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở giáo dục mầm non, các điểm giữ trẻ tư nhân - nơi đã và đang xảy ra nhiều vụ bạo hành nhưng dễ bị bỏ qua vì “khép kín”. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về quyền trẻ em, phổ biến luật pháp, nâng cao kỹ năng nuôi dạy trẻ không bạo lực cho phụ huynh, giáo viên, người chăm sóc trẻ. Về mặt pháp lý, cần rà soát, sửa đổi các quy định hiện hành nhằm nâng mức xử phạt, bổ sung trách nhiệm hình sự đối với các hành vi bạo hành trẻ, đặc biệt là những trường hợp tái phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng”, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An chia sẻ.

Bạo hành trẻ em không còn là chuyện cá biệt mà là lời cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức và lỗ hổng trong bảo vệ trẻ. Nếu người lớn tiếp tục im lặng, dung túng hay dạy dỗ bằng roi vọt, thì nạn nhân tiếp theo có thể chính là con em chúng ta. Đã đến lúc, cả xã hội phải hành động quyết liệt hơn để chấm dứt mọi bạo lực lên những sinh mệnh non nớt trước khi quá muộn.

Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-ngan-chan-bao-hanh-voi-tre-nho-708770.html