Cận ngày rằm tháng giêng: Trái cây, đồ lễ bày bán phong phú, giá cả hợp lý

Hoa quả, đồ lễ cúng cho ngày rằm tháng Giêng năm nay khá phong phú, giá cả cũng không quá đắt đỏ.

“Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” - ngày rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu từ lâu đã được coi là ngày rằm quan trọng nhất trong năm theo truyền thống từ xưa.

Cũng vì lẽ đó nên vào dịp này, nhiều gia đình có sự chuẩn bị khá chu đáo cho mâm lễ cúng tại gia đình. Thậm chí, có những gia đình đã cúng rằm ngay từ ngày 12 âm lịch.

Gà và đồ lễ cúng rằm khá phong phú tại các chợ dân sinh.

Gà và đồ lễ cúng rằm khá phong phú tại các chợ dân sinh.

Đáp ứng nhu cầu của thị trường, tại một số chợ truyền thống của Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Cầu Giấy, chợ Nhân Chính..., nguồn cung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, hoa tươi, trái cây dồi dào và có phần phong phú hơn so với những ngày thường.

Về giá cả, các mặt hàng hoa quả, hoa tươi, đồ cúng ghi nhận sự tăng giá nhẹ, không có tình trạng tăng đột biến.

Trong đó, thịt lợn có giá dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg tùy từng loại thịt. Gà nguyên con giá 150.000 -300.000 đồng/kg. Tôm tươi giá 250.000 - 320.000 đồng/kg tùy kích thước. Thịt bò có giá từ 250.000 - 280.000 đồng/kg...

Bà Nguyễn Thị Thanh - một tiểu thương bán hoa quả ở chợ Nhân Chính, cho biết từ ngày 12 âm lịch đến nay, khá nhiều người đã mua sắm đồ lễ để cúng rằm.

Trái cây tươi phục vụ cúng lễ ngày rằm có giá cả tương đối hợp lý.

Trái cây tươi phục vụ cúng lễ ngày rằm có giá cả tương đối hợp lý.

Cũng theo bà Thanh, các loại hoa quả bán chạy trong dịp này thường là thanh long, dưa hấu, táo, quýt, cam, xoài,...

“Trái cây tươi khá phong phú, giá cả cũng phải chăng. Cam canh 50.000 đồng/kg, táo giòn 40.000 đồng/kg, thanh long có tai đẹp giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, bưởi 20.000 - 25.000 đồng/quả, xoài cát giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg,...”, bà Thanh chia sẻ.

Cùng với trái cây, các loại hoa tươi và trầu cau cũng khá đắt hàng. Theo tìm hiểu của phóng viên, trầu cau dao động từ 20.000 – 50.000 đồng/lễ, hoa thược dược 120.000 đồng/bó chục bông, hoa cúc vàng giá 5.000 – 7.000 đồng/bông, hoa cát tường 45.000 - 50.000 đồng/bó, hoa ly 110.000 - 120.000 đồng/bó 5 cây, hoa thanh liễu 40.000 đồng/bó,...

Đồ lễ làm sẵn cũng được rao bán ngập tràn "chợ mạng" những ngày này.

Đồ lễ làm sẵn cũng được rao bán ngập tràn "chợ mạng" những ngày này.

Ngoài ra, trên các nhóm "chợ mạng", các đồ lễ làm sẵn là các món mặn và món chay cũng khá phong phú, giúp các bà nội trợ có thêm nhiều lựa chọn, như bánh chưng, giò, nem, xôi, bánh chay, bánh đúc,... với mức giá dao động từ 100.000 - 500.000 đồng/lễ.

Nhiều người cho rằng, rằm tháng Giêng làm lễ cúng thật to, đốt vàng mã thể hiện lòng thành thì cả năm sẽ may mắn, thuận lợi. Tuy nhiên, theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông, quan niệm này không đúng.

“Việc cúng rằm tháng Giêng là tín ngưỡng dân gian, mang nét đẹp văn hóa truyền thống. Cúng lễ cốt ở thành tâm, không nên suy diễn thành ra mê tín. Rằm tháng Giêng không nhất thiết phải bày biện mâm cao cỗ đầy. Gia chủ nên tùy tiền biện lễ sao cho phù hợp, tránh lãng phí. Thiên địa vốn công bằng, tốt hay không là ở suy nghĩ và hành động của mỗi con người. Nếu làm những việc trái với đạo lý, xã hội thì cúng lễ nhiều cũng chẳng có ích gì”, ông Tuệ chia sẻ.

Hồng Hương.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/can-ngay-ram-thang-gieng-trai-cay-do-le-bay-ban-phong-phu-gia-ca-hop-ly-1104915.html