Cần nghiêm trị mọi hành vi côn đồ, coi thường pháp luật

Giật sập cửa nhà hàng xóm khi bị nhắc nhở hát karaoke ồn ào, dù chưa gây hậu quả lớn, cũng không phải là một vụ việc phức tạp, song thể hiện hành động mang tính chất côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật. Vụ việc này đã đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét và giải quyết một cách thấu đáo.

Gần đây, với những hành xử kiểu “hổ báo cáo chồn” như trong vụ việc nói trên thì những người gây rối, phá hoại thường bị bắt ngay lập tức. Chỉ có điều thật khó hiểu là không biết vì sao những người khác không nhìn vào đó để biết sợ nên những kiểu hành xử như thế vẫn thường diễn ra. Đây có lẽ là một vấn đề xã hội lớn cần được nghiên cứu một cách khoa học, thấu đáo.

Người Việt vốn trọng chữ tình, trọng “tình làng nghĩa xóm” nên mới “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, rồi láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Thế nhưng, ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn, không biết từ khi nào hàng xóm, láng giềng trở nên “nhạt như nước ốc”, ai biết nhà nấy và thậm chí nhà này làm hại nhà kia, mà kiểu tra tấn karaoke là một ví dụ.

Đáng lẽ ra trong câu chuyện này, cách xử lý hợp lý hợp tình, khéo léo là trước hết phải xin lỗi hàng xóm và nhắc nhở nhân viên của mình, đằng này đương sự lại làm ngược. Không biết vì lý do gì mà nhiều người Việt hiện nay không thể trao đổi với nhau, đối thoại cùng nhau mà thường sử dụng hình thức côn đồ. Rất nhiều vụ va chạm trên đường cũng bị vậy. Chắc chắn rồi đây những hành động côn đồ sẽ bị xử lý một cách thích đáng bởi trong một xã hội văn minh không thể chấp nhận sự coi thường pháp luật, vô đạo lý, mất tình người.

Cuộc sống chật vật với nỗi lo cơm áo gạo tiền nên cũng có lúc người ta cần xả stress mà hát karaoke, cũng là cách hữu hiệu để giải trí. Hát karaoke hay làm bất cứ điều gì, miễn không vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức là quyền của mỗi người. Nhưng có nguyên tắc bất di bất dịch luôn phải nằm lòng là tự do của người này là không được vi phạm, ảnh hưởng đến tự do của người khác. Quyền hát là quyền của người hát, song quyền được yên tĩnh và quyền không muốn bị tra tấn bởi tiếng ồn là quyền của những người xung quanh. Không thể diễn ra mãi câu chuyện lâu lâu được ngày nghỉ lễ, nghỉ tết thì lại phải trốn đi thật xa vì suốt ngày, thậm chí cả đêm bị tra tấn bởi “đắp mộ cuộc tình”. Trên mạng có người hài hước giơ tấm biển viết dòng chữ “không mong hàng xóm hát hay, chỉ mong hàng xóm hát đúng tông và thuộc bài”.

Từ câu chuyện này, đặt ra rất nhiều vấn đề cần được giải quyết, nếu không sẽ còn rất nhiều vụ việc tương tự tiếp diễn. Chúng ta có hệ thống chính trị từ ấp, khu phố trở lên với biết bao nhiêu cơ quan, đoàn thể như chính quyền, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, mặt trận, công an…vậy mà không hiểu sao những kiểu tra tấn người khác như hát hát karaoke vẫn còn đất sống, thậm chí sống khỏe và nhiều lúc tác oai tác quái. Trong thực tế đã những vụ hát karaoke gây ồn ào, tra tấn người xung quanh, khi dân báo cáo đã được các cơ quan chức năng, nhất là công an giải quyết. Một vấn đề không phức tạp như hát karaoke gây ồn ào còn không thể giải quyết dứt điểm thì làm sao dám mơ tới những chuyện cao xa hơn. Hình như các cơ quan có trách nhiệm của hệ thống chính trị chỉ quan tâm giải quyết những việc được cho là lớn, là phức tạp, còn những vụ việc như vậy bị xem là “chuyện nhỏ”. Nên nhớ, ô nhiễm tiếng ồn là một trong những kiểu tra tấn về tinh thần rất nguy hiểm.

Có lẽ đã đến lúc cần quy định gia đình nào hát karaoke phải làm phòng cách âm, phải được chính quyền nghiệm thu mới được cho phép sử dụng.

Hồng Phúc

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/can-nghiem-tri-moi-hanh-vi-con-do-coi-thuong-phap-luat-234604.html