Không ai đánh bạc bằng lương công chức
'Mr Michael' - cái tên nghe sang trọng ấy hóa ra lại là biệt danh của một cán bộ, ông Hồ Đại Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ. Trong 95 lần xuất hiện tại một sòng bạc cao cấp ở Hà Nội, ông này đã giao dịch hơn 7 triệu USD. Câu hỏi hiển nhiên đặt ra là tiền đó từ đâu ra?
Với mức thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng mỗi năm, một cán bộ cấp tỉnh dù tiết kiệm cả đời cũng không thể đặt cược một ván bạc lên đến 300.000 USD như ông Dũng từng tham gia. Những khoản tiền ấy, nếu chỉ tính bằng lương công chức là điều không tưởng.
Vụ việc của “Mr Michael” không phải là chuyện cá nhân. Nó cho thấy một lỗ hổng lớn trong hệ thống giám sát tài sản và đạo đức công vụ. Cùng với ông Dũng, hàng loạt cái tên khác hiện ra trong vụ án: cựu Bí thư Thành ủy TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình cũ) Ngô Ngọc Đức, lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ cấp phòng… cùng sát phạt bạc tỷ dưới những cái tên giả như “Mr Lucky one”, “Mr Rocky”, “Mr Johnny”… Họ không mang theo chức danh, nhưng mang theo những dấu hỏi lớn về nguồn gốc tài sản và trách nhiệm với xã hội.
Nếu không có biến cố, có lẽ những câu hỏi ấy sẽ không bao giờ được đặt ra. Một cán bộ có thể được xem là “gương mẫu” trong mắt công chúng, miễn là chưa bị phát hiện. Trong khi đó, những bản kê khai tài sản vẫn đều đặn ghi dòng chữ: không có thu nhập ngoài lương, dù đằng sau là biệt thự, xe sang, thẻ thành viên casino quốc tế.
Thực tế ấy buộc chúng ta nhìn lại: liệu cơ chế kê khai, giám sát tài sản hiện nay có đủ sức ngăn ngừa tham nhũng? Việc xác minh chủ yếu dựa vào “dấu hiệu bất thường”, nhưng nếu người vi phạm đủ tinh vi thì bất thường sẽ không bao giờ xuất hiện. Những biểu hiện như tiêu dùng vượt thu nhập, tài sản không phù hợp chức vụ… vẫn chưa được xem là tín hiệu cảnh báo nghiêm túc.
Trong khi đó, Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Cán bộ, công chức đều quy định rõ nghĩa vụ kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, nhưng việc thực thi trên thực tế đôi khi vẫn mang tính hình thức, thiếu các công cụ giám sát độc lập.
Vì vậy, câu chuyện không chỉ là xử lý một “Mr Michael”, mà là ngăn chặn từ gốc những “Mr” khác trong hệ thống. Chúng ta cần một cơ chế giám sát tài sản công vụ thực chất, không hình thức. Cần kết nối dữ liệu liên ngành: ngân hàng, thuế, đất đai… để bất cứ khoản chi tiêu nào vượt quá khả năng thu nhập đều có thể được “cảnh báo sớm”. Và cũng cần một nền văn hóa công vụ coi liêm chính là nguyên tắc sống còn, không chỉ là khẩu hiệu.
Không ai muốn nhìn thấy cán bộ bị xét xử. Nhưng nếu hệ thống không đủ năng lực ngăn ngừa từ sớm, thì ánh sáng của pháp luật sẽ chỉ đến sau cùng tại vành móng ngựa. Khi ấy, không chỉ là bản án pháp luật, mà là bản án của lương tri. Đó mới là điều khiến xã hội phải trăn trở.
Không ai đánh bạc bằng lương công chức, câu nói ấy không chỉ là lời phê phán, mà còn là tiếng chuông cảnh báo về những lỗ hổng đang tồn tại trong cơ chế kiểm soát quyền lực. Nếu không muốn “Mr Michael” tiếp theo xuất hiện, thì hệ thống cần thay đổi từ hình thức sang thực chất, từ khẩu hiệu sang hành động.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-ai-danh-bac-bang-luong-cong-chuc-10309706.html