Cần nguồn nguyên liệu thay thế cát đang ngày một khan hiếm
Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL trăn trở về vấn đề cát phục vụ các công trình giao thông trong đó có các tuyến cao tốc.
Chính phủ có chỉ đạo ngành xây dựng tìm nguồn nguyên liệu thay thế lượng cát khan hiếm. Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã bày tỏ mong muốn phía Đức hỗ trợ xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông và quản lý nguồn tài nguyên cát hiệu quả thời trong gian tới tại vùng ĐBSCL. Đó là nội dung chính làm việc giữa UBND TP Cần Thơ và đoàn công tác Ủy ban ngân sách của Quốc hội Cộng hòa liên bang Đức vào hai ngày 9 – 10/3.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, Cần Thơ hiện có 60km chiều dài sông Hậu (một nhánh của sông Mekong). Trong giai đoạn 2010-2022, Cần Thơ xảy ra 262 điểm sạt lở, với chiều dài 19,870 mét. Nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông là do lượng phù sa sông Hậu năm 2018 giảm 80% so với năm 2013, ngoài ra còn hoạt động khai thác cát không phép.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL hiện trăn trở rất nhiều về vấn đề cát phục vụ các công trình giao thông trong đó có các tuyến cao tốc. Chính phủ có chỉ đạo ngành xây dựng tìm nguồn nguyên liệu thay thế lượng cát khan hiếm. Do đó, nhân chuyến công tác của Ủy ban ngân sách của Quốc hội Cộng hòa liên bang Đức, ông Hiện bày tỏ mong muốn phía Đức giúp Cần Thơ xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông và quản lý nguồn tài nguyên cát hiệu quả thời gian tới.
Đại diện đoàn công tác Ủy ban ngân sách của Quốc hội Cộng hòa liên bang Đức, ông Sebastian Schafer cho hay, một trong những đề tài Đức quan tâm là đề tài khai thác cát bền vững. Và cát là một trong những nguyên vật liệu ở ngành xây dựng đang khan hiếm dần, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Do đó, nước Đức đang có những tổ chức nghiên cứu tái chế nguyên vật liệu khác để thay thế được cát và hy vọng trong tương lai sẽ hợp tác với Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng ở dự án này.
Tiếp lời ông Sebastian Schafer, ông Hà Huy Anh, quản lý dự án “Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL” - Đây là dự án do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), đã được Bộ NN&PTNT ký phê duyệt năm 2020 – cũng thông tin, kết quả bước đầu cho thấy khối lượng cát khai thác hằng năm của các tỉnh/thành ĐBSCL lớn hơn khoảng 4-6 lần so với tổng lượng cát đổ về đồng bằng từ thượng nguồn. Tính đến năm 2022, tổng trữ lượng cát tích lũy ở đáy sông TP Cần Thơ là 32-48 triệu m3. Từ kết quả không mấy khả quan, dự án cũng đã bước đầu nghiên cứu vật liệu thay thế cát tiềm năng ở khu vực ĐBSCL là tro trấu, tro bã mía xỉ đáy lò, tro bay.
Để hiện thực hóa tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế cát, ông Hà Huy Anh chia sẻ từ nay đến hết tháng 8/2023, WWF sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thiện kết quả hiện trạng phân bổ cát sông ở TP Cần Thơ; Mời đại diện các sở, ban, ngành có liên quan tham dự và đóng góp ý kiến cho Hội thảo tham vấn kết quả Ngân hàng cát ĐBSCL và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông ĐBSCL (dự kiến tổ chức tại TP Cần Thơ).
“Dự án sẽ tiến hành các khóa đào tạo cho các cán bộ kỹ thuật của TP Cần Thơ cũng như các tỉnh lân cận và các viện nghiên cứu về mô hình vận chuyển cát hay kỹ thuật quản lý cát bền vững. Khi các dữ liệu đã được đồng thuận giữa các bên liên quan thì WWF sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu đơn giàn và sẽ chia sẻ các dữ liệu báo cáo này theo quy định hiện hành của nhà nước”, ông Huy Anh nói.
Sau buổi làm việc, đoàn công tác của Đức đã đi thực tế một số điểm sạt lở bờ sông ở Cù lao Tân Lộc và trao đổi tình hình với đại diện cơ quan có liên quan, đại diện chính quyền địa phương./.