Cân nhắc áp dụng một số cơ chế đặc thù để triển khai Quy hoạch điện VIII

Quy hoạch điện VIII nhằm mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước. Do vậy, tại hội thảo do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức, các chuyên gia đề nghị, cần cân nhắc cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để triển khai Quy hoạch này trong giai đoạn trước mắt.

Ba bộ phận không thể tách rời thực hiện mục tiêu của Quy hoạch

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) là văn bản pháp lý quan trọng với mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu phát triển của đất nước; là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài các tổ chức và cá nhân liên quan nghiên cứu, phối hợp, tổ chức thực hiện để phát triển ngành điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu

Với tầm quan trọng của Quy hoạch điện VIII, bên cạnh việc bảo đảm tầm nhìn dài hạn, dự báo đúng sự thay đổi, phát triển của quy mô nền kinh tế, nhu cầu của xã hội, các chuyên gia tham dự Hội thảo đã nhấn mạnh một số yêu cầu cụ thể trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Nguyên Giám đốc Trung tâm điều độ về hệ thống điện Quốc gia Trần Anh Thái lưu ý, việc triển khai Quy hoạch điện VIII cần bảo đảm 3 yếu tố: trong sản xuất được sử dụng ngày càng nhiều các nguồn năng lượng xanh và sạch; hệ thống điện phải cung cấp đủ điện cho nhu cầu tiêu thụ, được vận hành an toàn và tin cậy; giá điện phải nằm ở mức mà người tiêu dùng và nền kinh tế có khả năng chi trả trong khi vẫn đảm bảo tính cạnh tranh của quốc gia cũng như đời sống người dân.

Bên cạnh đó, Quy hoạch được xây dựng cho khung thời gian dài 10-30 năm trên cơ sở dự báo với nhiều yếu tố bất định, nên nguyên Giám đốc Trung tâm điều độ về hệ thống điện Quốc gia cho rằng, sau khi có quy hoạch cần lập kế hoạch thực hiện chi tiết để triển khai với các công việc và dự án cụ thể với khung thời gian ngắn hơn và các yếu tố bất định đã giảm. Nói cách khác, cần chấp nhận việc Quy hoạch điện VIII phải được cập nhật thường xuyên để có thể đáp ứng được sự thay đổi của các yếu tố đầu vào.

“Cơ sở để điều chỉnh hay bổ sung Quy hoạch điện VIII cũng cần được xác định rõ trong các kịch bản liên quan khi có sự thay đổi về cơ cấu, tiến độ hay chi phí của các loại nguồn. Sự thay đổi về nhu cầu cũng là cơ sở để điều chỉnh về quy hoạch nguồn điện”, ông Trần Anh Thái đề nghị.

Trong tham luận gửi đến Hội thảo, TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII nêu rõ, Quy hoạch điện VIII gắn chặt với mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, hướng tới NET-ZERO vào năm 2050. Cần xem đây là hướng đi tất yếu, trước hết vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Nhưng vì đây là nhiệm vụ rất khó, nên theo TS. Trần Du Lịch “nhân tố chính sách và cơ chế vận hành các mục tiêu của quy hoạch có ý nghĩa quyết định”.

Đồng thời, theo TS. Trần Du Lịch, cần ưu tiên khai thác nguồn năng lượng mà nước ta có lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý (lợi thế của khoảng 3.400 km bờ biển, thềm lục địa để phát triển điện gió trên bờ, ngoài khơi, điện mặt trời, điện khí trong nước). Cần xem việc khai thác cao nhất các nguồn năng lượng này là một bộ phận quan trọng của chiến lược kinh tế biển.

Dự báo về nhu cầu năng lượng phải gắn với dự báo về chuyển dịch cơ cấu kinh tế (giảm những ngành tiêu hao nhiều năng lượng như sản xuất nhôm, thép...), phát triển kinh tế tuần hoàn; sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh và thay đổi chính sách giá điện. “Quy hoạch nguồn cung điện - hệ thống truyền tải điện và thị trường điện cạnh tranh là ba bộ phận không thể tách rời trong quá trình vận hành các mục tiêu của quy hoạch. Những vấn đề bất cập, tồn tại hiện nay liên quan đến các dự án phát triển điện gió, điện mặt trời... là do thiếu sự đồng bộ 3 nội dung này trong chính sách”, TS. Trần Du Lịch phân tích.

Thời gian thực hiện không còn nhiều

Cơ quan chủ trì xây dựng Quy hoạch điện VIII đã hoàn thành khối lượng lớn công việc đánh giá các yếu tố đầu vào, đặc biệt là công tác dự báo phụ tải cũng như đánh giá các tiềm năng phát triển các loại nguồn năng lượng tái tạo tại các tỉnh và dựa trên các quy hoạch liên quan. Các chuyên gia tham dự Hội thảo nhấn mạnh, vấn đề cần quan tâm hiện nay là các cơ quan, đơn vị chỉ còn khoảng 7 năm để thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó có từ 1-2 năm cho việc lập và thông qua kế hoạch triển khai, nên thực tế chỉ có 4-5 năm để làm tất cả các công việc từ chuẩn bị đầu tư, đàm phán hợp đồng mua bán điện, lựa chọn nhà thầu và triển khai xây lắp.

“Trong khi đó, thị trường điện theo đúng nghĩa sẽ có những đặc điểm riêng liên quan đến kỹ thuật và tài chính. Việc bảo đảm cung cấp điện bao gồm cả yếu tố công suất, năng lượng và ổn định của một hệ thống điện vật lý theo dòng xoay chiều”. Với đặc điểm này của điện lực, để phát triển, quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia một cách hiệu quả, nguyên Giám đốc Trung tâm điều độ về hệ thống điện quốc gia Trần Anh Thái cho rằng, tổng công suất lắp đặt Quy hoạch điện VIII cần được thực hiện trọng sự cân bằng hợp lý của năng lượng sạch và xanh, bảo đảm hệ thống điện an toàn và ổn định, cũng như với giá điện hợp lý.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Thời gian để triển khai Quy hoạch điện VIII không nhiều, song TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng nhấn mạnh quá trình tổ chức thực thi phải được quan tâm hơn nữa. Theo ông Thành, Chính phủ có thể đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết quy định cơ chế đặc biệt để triển khai Quy hoạch điện VIII trong một giai đoạn nhất định. Những cơ chế này có thể xây dựng trên nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng những chính sách đặc thù được quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tính toán trong giai đoạn 2021 – 2030 cần khoảng 120 tỷ USD để đầu tư nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII. Đây là lượng vốn lớn để đáp ứng nhu cầu đầu tư nguồn điện. Do đó, PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần đặt mục tiêu và chính sách chủ yếu thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là với năng lượng tái tạo, sinh khối. Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư lưới điện truyền tải, thủy điện tích năng, pin lưu trữ, cùng một số dự án khác đang thực hiện dở dang.

Ngoài ra, để thu hút vốn đầu tư của xã hội, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, cần cải cách mạnh mẽ chính sách giá điện theo hướng tách biệt chính sách trợ cấp xã hội ra khỏi chính sách giá. Giá điện cần trở thành một công cụ để thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng hiệu quả sử dụng năng lượng. Đồng thời, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần ưu tiên, hỗ trợ nhanh nhất cho các dự án đầu tư nguồn điện mà giữa quy hoạch địa điểm và sự lựa chọn vị trí của nhà đầu tư gặp nhau.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/can-nhac-ap-dung-mot-so-co-che-dac-thu-de-trien-khai-quy-hoach-dien-viii-i328626/