Cân nhắc khi mở rộng quy mô nuôi chim bồ câu

Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều hộ trong tỉnh nuôi chim bồ câu. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế khá nhưng nông dân không nên nuôi ồ ạt.

Người dân cần cân nhắc khi chuyển hướng nuôi chim bồ câu hoặc tăng đàn, mở rộng quy mô

Người dân cần cân nhắc khi chuyển hướng nuôi chim bồ câu hoặc tăng đàn, mở rộng quy mô

Hiệu quả

5 năm trước, ông Trần Văn Lượng ở xã Kim Tân (Kim Thành) nhận thấy nuôi lợn vất vả, dễ mắc dịch bệnh trong khi giá cả bấp bênh. Ông quyết định chuyển sang nuôi chim bồ câu. Chuồng lợn cũ được ông tận dụng, cải tạo để làm các ô chuồng nuôi chim. Ông tới một số mô hình nuôi chim thành công để tham khảo, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Theo ông Lượng, chim bồ câu có ưu điểm là dễ nuôi, chỉ cần làm chuồng trại thoáng mát, không cần nhiều chi phí đầu tư, chăm sóc, cũng không đòi hỏi nhiều công sức. Bồ câu là loài sinh trưởng nhanh, nuôi 6 tháng là bắt đầu sinh sản, mỗi cặp bồ câu có thể đẻ 7 - 8 lứa/năm. Thời gian nuôi ngắn, từ chim con khoảng 1 tháng sau là có thể xuất bán với trọng lượng khoảng 0,5 kg/con.

Từ 30 đôi chim bồ câu ban đầu, đến nay, trang trại của ông Lượng đã có 600 đôi bồ câu giống và thương phẩm. Mỗi năm, gia đình ông Lượng thu lãi khoảng 120-150 triệu đồng từ nuôi chim bồ câu.

Cũng như ông Lượng, bà Đào Thị Thông ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang) đã chuyển từ nuôi lợn sang nuôi chim bồ câu khoảng 5 năm nay. Trong một lần đi đến Bắc Giang thấy mô hình nuôi chim bồ câu cho hiệu quả kinh tế, nên gia đình bà quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 30 đôi chim giống. Hiện nay, bà nuôi khoảng 700 đôi chim bồ câu.

Tránh cung vượt cầu, khó tiêu thụ

Theo ông Kim Văn Dương, Trưởng Ban Chăn nuôi thú y xã Hiệp Lực, hiện xã có khoảng 5 hộ nuôi chim bồ câu theo hướng kinh doanh, còn lại là những hộ nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Các hộ nuôi chim bồ câu trong xã đều là tự phát.

Theo nhận định của một số hộ nuôi chim bồ câu, hiện việc tiêu thụ chim bồ câu thương phẩm khó hơn so với trước đây, giá bán cũng giảm khoảng 10%. Việc tiêu thụ vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái. Theo kế hoạch ban đầu, ông Lượng dự định phát triển quy mô đàn lên khoảng 1.000 đôi. Tuy nhiên, thời gian qua việc tiêu thụ chậm nên ông quyết định không vội tăng đàn.

Cứ theo lịch hẹn, thương lái lại tìm đến thu mua chim bồ câu của gia đình bà Thông. Hiện giá thu mua khoảng 85.000 đồng/đôi. Thời điểm được giá, 1 đôi chim được thương lái mua từ 120.000-125.000 đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ chim bồ câu của các nhà hàng cũng giảm hẳn. Những hộ nuôi chim bồ câu thường không bán lẻ tại các chợ vì ít người mua.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong quá trình nuôi, chim bồ câu có thể mắc một số loại bệnh trong khi hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh cúm cho loại chim này. Đây cũng là nguy cơ khi chủng cúm gia cầm A/H5N8 đã xuất hiện tại một số tỉnh, có thể lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng.

Để phòng ngừa dịch bệnh, người nuôi cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, quét dọn hằng ngày đối với các dãy chuồng, khu vực xung quanh và các lối đi. Trong điều kiện không có dịch bệnh, cần định kỳ phun thuốc sát trùng 2 tuần/lần với toàn bộ khu chuồng trại.

Anh Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, mô hình nuôi chim bồ câu mang lại hiệu quả kinh tế, tuy nhiên không vì thế mà người dân chuyển hướng sang nuôi loại chim này một cách ồ ạt hoặc vội vã tăng đàn, mở rộng quy mô.

Hiện nay, chim bồ câu tiêu thụ chủ yếu ở các nhà hàng hoặc đám tiệc, nhu cầu làm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày của người dân không nhiều. Nếu nhiều người chuyển hướng sang nuôi chim bồ câu mà không tìm hiểu kỹ về thị trường tiêu thụ sẽ dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, chim bồ câu thương phẩm gặp khó về đầu ra, khó tiêu thụ.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/can-nhac-khi-mo-rong-quy-mo-nuoi-chim-bo-cau-174242