Cân nhắc khi sàng lọc chặt chẽ hơn thị trường chứng khoán sơ cấp
Trong các nội dung tại dự thảo mới nhất sửa đổi Luật Chứng khoán, nhiều quy định sàng lọc đối với các tổ chức phát hành được đưa chặt chẽ hơn. Trách nhiệm cho các tổ chức liên quan cũng được bổ sung.
Cánh cửa sàng lọc chặt chẽ hơn
Mùa hè năm 2016, câu chuyện CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (mã chứng khoán MTM) trở thành chủ đề “nóng”, thu hút sự chú ý đặc biệt và tạo nên làn sóng xôn xao trong giới đầu tư. Một doanh nghiệp có cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với thanh khoản đứng tốp cao, song điều bất ngờ là, công ty này có trụ sở tại một quán ăn và ở trạng thái “ngừng hoạt động, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế”, khi tra cứu trên trang web thông tin người nộp thuế của Tổng cục Thuế.
Thậm chí, sự vào cuộc của cơ quan điều tra sau đó cho thấy, Công ty không có tài sản, không có hoạt động kinh doanh; hồ sơ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, hồ sơ đại hội cổ đông... đều làm giả. Nguyên Chủ tịch Công ty Trần Hữu Tiệp đã bị xử tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - một trong những mức phạt nặng nhất về xử lý hình sự trên thị trường chứng khoán trong lịch sử hoạt động hơn 20 năm.
Dù mức án nặng và đầy tính răn đe, nhưng nhìn lại 8 năm qua, vẫn có thêm những ông chủ doanh nghiệp niêm yết, tổ chức phát hành trái phiếu tiếp tục đứng trước vành móng ngựa, thậm chí, với quy mô giá trị thiệt hại được xác định ở mức khó lòng tưởng tượng.
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV bắt đầu làm việc từ hôm nay (21/10). Trong đó, không ít thay đổi tại Luật Chứng khoán tác động đến thị trường chứng khoán sơ cấp sẽ được trình lên cơ quan lập pháp - một phần trong Dự án Luật sửa đổi 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách.
Trình bày tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Quản lý thuế”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (VCCI) đã chỉ ra nhiều nội dung mang tính chất tăng thêm trách nhiệm cho doanh nghiệp tại bản dự thảo cập nhật mới nhất. Trong đó, liên quan thị trường chứng khoán sơ cấp - nơi mua bán các loại chứng khoán mới phát hành, chào bán công khai…, Dự thảo bổ sung hạn chế với việc phát hành các loại chứng khoán như đưa ra thêm các điều kiện phát hành, gia tăng các hạn chế với việc phát hành các loại chứng khoán. Đồng thời, các tổ chức liên quan phát hành chứng khoán như tổ chức tư vấn, tổ chức kiểm toán… được bổ sung thêm trách nhiệm, hay nâng mức phạt vi phạm hành chính với lĩnh vực kiểm toán.
Chẳng hạn, Dự thảo bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia quá trình lập hồ sơ, xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo; tổ chức tư vấn hồ sơ và người hành nghề tham gia tư vấn hồ sơ; tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận, người ký báo cáo kiểm toán hoặc soát xét.
Cùng với đó, hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần sẽ cần có thêm báo cáo về vốn điều lệ đã góp trong thời hạn 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán, hoặc tính từ thời điểm thành lập nếu doanh nghiệp thành lập dưới 10 năm. Việc chuyển nhượng sẽ bị hạn chế tối thiểu là 3 năm, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án. Để so sánh, trước đây, thời gian hạn chế chuyển nhượng là 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đi tìm lời giải cân bằng
Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, yêu cầu về báo cáo vốn điều lệ trong vòng 10 năm có khả năng không khả thi. Nguyên nhân là, nhiều doanh nghiệp đã qua quá trình chia tách, sáp nhập, thay đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, hay bán một phần cho nước ngoài, nên không dễ để thu thập được hồ sơ tài liệu về vốn trong 10 năm.
Ngoài ra, theo bà Ngọc, việc góp vốn có thể bằng tiền hoặc tài sản hữu hình, vô hình. Quy định trên có đặt ra câu hỏi về yêu cầu định giá độc lập đối với tài sản góp vốn - điều chưa có trong quy định trước đây.
“Sẽ có những công ty như các doanh nghiệp gia đình trước đây chưa có ý định niêm yết cổ phiếu lên sàn, chưa chuẩn bị sẵn các ghi chép đầy đủ, rõ ràng trong vòng 10 năm, có thể sẽ không bao giờ có cơ hội đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán”, đại diện Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam nói.
Trong khi đó, số lượng hàng hóa chất lượng gia nhập thị trường chứng khoán tăng chậm trong những năm qua được xem là một trở ngại trong việc thu hút dòng vốn ngoại hiện tại và cả tương lai trong kịch bản chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng 2.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc hạn chế chuyển nhượng nên giảm bớt thời gian, thay vì tăng thêm như quy định hiện tại. Thậm chí, theo lãnh đạo một nhà băng, quy trình phê duyệt từ chốt sổ, đăng ký cổ phiếu lên sàn đang “tốn” nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư khi nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro thị trường trong khoảng thời gian từ thời điểm đầu tư đến khi giao dịch.
Việc tích hợp giữa chào bán cổ phần ra công chúng và niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu thành một quy trình là giải pháp đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề ra và khẳng định sẽ sớm triển khai, nhằm rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư và có thêm nhiều cổ phiếu chất lượng cho sàn chứng khoán.
Nhiều quy định trong Luật Chứng khoán được sửa đổi trong bối cảnh luật được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Điều này, theo đại diện VCCI, cần hết sức cân nhắc, nhất là trong việc bổ sung các quy định có tính chất tăng nặng nghĩa vụ theo một quá trình soạn thảo rút gọn. Nhắc lại mục tiêu của sửa đổi là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Đức cũng đặt ra câu hỏi rằng, liệu những quy định mới có song hành với mục tiêu sửa đổi của đạo luật.
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, cần có quan điểm cân bằng, hài hòa hơn, theo hướng vừa kiến tạo để thị trường phát triển, vừa kiểm soát rủi ro.