Cân nhắc không quy định tiếp xúc với trẻ em tại dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức TXCT của đại biểu HĐND
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, cân nhắc không quy định nội dung tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em trong dự thảo Nghị quyết.
Theo Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu Tạ Thị Yên việc xây dựng và ban hành dự thảo Nghị quyết là cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất trong công tác tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu HDNĐ các cấp trên phạm vi cả nước. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng trong hoạt động TXCT của đại biểu HĐND; bảo đảm mọi cử tri được trực tiếp gặp gỡ, bày tỏ, tâm tư, nguyện vọng đối với đại biểu HĐND. Hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện việc tổ chức hoạt động TXCT của đại biểu HĐND.
Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được thiết kế dự kiến gồm 06 chương, 43 điều. Nội dung dự thảo tập trung quy định về: Quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc TXCT; Nội dung, hình thức, hoạt động TXCT; Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết kiến nghị của cử tri;.. Trong đó, có một số nội dung mới như: đại biểu HĐND cấp trên và cấp dưới cùng tổ chức TXCT nhưng không quá hai cấp; quy định về trình tự thủ tục để đại biểu HĐND TXCT ngoài đơn vị ứng cử; quy định về trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận tại thôn, tổ dân phố trong việc phối hợp với đại biểu HĐND và trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết;..
Nêu quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Thường trực Trần Thị Kim Nhung đề nghị Ban soạn thảo, cân nhắc không quy định nội dung tiếp xúc với trẻ em trong dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp. Lý giải cho đề xuất này, Ủy viên Thường trực Trần Thị Kim Nhung nêu rõ: Không có căn cứ pháp lý giao cho 03 cơ quan liên tịch ban hành văn bản hướng dẫn việc tiếp xúc với trẻ em; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ giao nhiệm vụ ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri mà trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em là người dưới 16 tuổi nên chưa phải là cử tri, do đó việc đặt nội dung về tiếp xúc trẻ em trong dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri là không phù hợp với phạm vi, tên gọi của Nghị quyết, nội hàm khái niệm “tiếp xúc cử tri”;
Bên cạnh đó, trẻ em không phải là cử tri nên các quy định khác tại dự thảo sẽ không áp dụng với đối tượng này, vì vậy, việc quy định nội dung này tại dự thảo Nghị quyết trên thực tế sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa.
Đồng tình với quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, không nên quy định việc tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em tại dự thảo Nghị quyết. Theo đại biểu, trẻ em không phải cử tri, nếu đại biểu tiếp xúc với trẻ em thì cần phải có đại diện trẻ em mà đối tượng đại diện ở đây chính là cử tri. Việc gặp gỡ đối tượng trẻ em được hiểu ở góc độ khác, để nắm tâm tư, nguyện vọng, ghi nhận tiếng nói của các em đối với lĩnh vực trẻ em nhưng không phải là hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Đình Gia – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, việc không quy định về tiếp xúc với trẻ em cũng là thống nhất với nội dung của Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cửu tri của đại biểu Quốc hội đang được xây dựng, thẩm tra. Ngoài ra, đối với quy định tiếp xúc với đại diện trẻ em, đây cũng là cử tri do đó việc quy định nội dung này tại điều riêng trong dự thảo là không cần thiết vì không có sự khác biệt với các cử tri khác.
Liên quan tới việc hợp nhất 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch (dự thảo nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và dự thảo nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp), bên cạnh nhiều kiến tán thành việc giữ 02 dự thảo như hiện nay, một số ý kiến khác đề xuất nên tiến hành hợp nhất. “Hai dự thảo nghị quyết có nhiều nội dung quy định có tính chất tương đồng, việc hợp nhất hai dự thảo Nghị quyết giúp giảm bớt văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, ban hành văn hành bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; dễ triển khai, áp dụng trong thực tiễn” Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó Chủ tịch HĐND quận Đống Đa, Tp. Hà Nội kiến nghị.
Về TXCT ngoài đơn vị ứng cử của đại biểu HĐND, theo Điều 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định trách nhiệm TXCT của đại biểu HĐND. Theo đó, mối quan hệ giữa đại biểu HĐND và cử tri không chỉ là hoạt động TXCT ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn TXCT ở đơn vị khác nhưng không phải là hoạt động bắt buộc. Thực tế, báo cáo của các địa phương cho thấy, các đại biểu HĐND vẫn ưu tiên và quan tâm đến hoạt động TXCT ở nơi mình ứng cử mà chưa chú trọng, quan tâm đến hoạt động TXCT ngoài đơn vị ứng cử của đại biểu.
Do đó, để hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ này, Ban soạn thảo đã quy định việc TXCT ngoài đơn vị ứng cử của đại biểu HĐND. Trong đó, có quy định về trình tự thủ tục để đại biểu HĐND TXCT ngoài đơn vị ứng cử. Theo đó, thực tế sẽ ưu tiên tập trung vào việc TXCT tại đơn vị ứng cử, khi có yêu cầu, nguyện vọng TXCT ngoài đơn vị ứng cử, đại biểu HĐND gửi văn bản đề nghị và chương trình, kế hoạch, nội dung TXCT tới Thường trực HĐND cùng cấp về việc TXCT ngoài đơn vị bầu cử của đại biểu HĐND. Tuy nhiên, các ý kiến đại biểu cũng lưu ý, chưa có quy định về chương trình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri ngoài đơn vị ứng cử của đại biểu HĐND, do dó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về vấn đề này cho thống nhất, đầy đủ./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/hoi-dong-nhan-dan.aspx?itemid=89369