Cân nhắc kỹ 3 phương diện khi đánh thuế đồ uống có đường

Việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác động rất lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp trong ngành. Bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cần cân nhắc kỹ ở 3 phương diện.

Doanh nghiệp rất kỳ vọng

Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”, do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, bà Phan Minh Thủy cho biết: Sau 4 lần sửa đổi kể từ 2008, hiện tại, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, về cả đối tượng chịu thuế, thuế suất, lộ trình tăng thuế; thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật.

Trong quá trình lấy ý kiến các doanh nghiệp, VCCI nhận thấy, cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần bảo đảm được một môi trường kinh doanh ổn định, công bằng, thuận lợi, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp (trong đó gồm cả người lao động), bà Thủy thông tin.

 Bà Phan Minh Thủy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Thắng

Bà Phan Minh Thủy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Thắng

Lo ngại về tính công bằng

Tuy vậy, thiết kế tại dự thảo Luật đang có những nội dung gây lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml (gọi tắt là nước giải khát có đường) vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, với thuế suất 10%.

Việc bổ sung đối tượng chịu thuế mới sẽ có tác động rất lớn và rất nghiêm trọng tới sự phát triển của doanh nghiệp ngành hàng này, đại diện VCCI cho biết, đồng thời nhấn mạnh cần cân nhắc kỹ lưỡng ở 3 phương diện.

Thứ nhất, mục tiêu ngăn chặn tình trạng thừa cân béo phì là cần thiết và nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường sẽ giúp hạn chế hay giảm tỷ lệ béo phì như thế nào thì chưa được đánh giá đầy đủ.

Nghiên cứu của một số doanh nghiệp chỉ ra, các thực phẩm có chứa đường (đồ uống giải khát, bánh kẹo, kem…) cung cấp trung bình 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể. Như vậy, việc đánh thuế 10% đối với mặt hàng nước giải khát có đường chỉ có thể làm giảm một lượng rất nhỏ, khoảng 0,1% - 0,2% năng lượng được nạp vào cơ thể.

Thứ hai, chính sách thuế này chưa bảo đảm công bằng khi chỉ tập trung vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn. Còn các loại đồ uống pha chế tại chỗ như cà phê, trà sữa, nước mía, trà chanh… sẽ khó có thể bị đánh thuế, do không thể xác định chính xác hàm lượng đường. Cùng với đó, nếu coi đường là nguyên nhân gây nên thừa cân, béo phì thì cần xem xét đánh giá cả ảnh hưởng của các sản phẩm có đường khác.

Thứ ba, chính sách này sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp ngành đồ uống của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thuần túy nội địa. Các doanh nghiệp nước ngoài đã có kinh nghiệm và công nghệ trong việc chuyển đổi sang các sản phẩm đồ uống không đường nhưng vẫn có vị ngọt. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuần túy nội địa gặp khó khăn hơn rất nhiều khi chính sách đánh thuế được thực hiện.

Báo cáo đánh giá tác động trong hồ sơ đã đưa ra các phương án và có đánh giá theo từng phương án, tuy nhiên, những nội dung trong báo cáo này chưa thể hiện đầy đủ thông tin để cân nhắc, so sánh về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án.

Ví dụ, đánh giá tác động đối với việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế trong báo cáo hầu hết là định tính, định lượng tác động tới doanh nghiệp chưa có minh chứng rõ ràng.

Cụ thể, về tác động tích cực. Theo báo cáo, việc đánh thuế sẽ giúp tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, số thu các năm sau năm đầu tiên sẽ giảm hơn so với năm đầu, do tác dụng của mục tiêu đánh thuế nước giải khát có đường để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (sử dụng ít đi) và nhà sản xuất (chuyển đổi công thức, sản xuất sản phẩm có hàm lượng đường dưới ngưỡng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt).

Đối với doanh nghiệp, việc áp thuế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi thành phần, công thức sản xuất nước giải khát, giảm tỷ lệ đường trong sản phẩm để không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Từ đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Về tác động tiêu cực, việc thực hiện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Do đó có thể ảnh hưởng giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này và các ngành phụ trợ có liên quan như mía đường, bao bì, bán lẻ trong thời gian đầu.

Tuy nhiên, mức thuế đề xuất 10% trên giá bán của cơ sở sản xuất sẽ có tác động khiêm tốn đến giá bán lẻ của các sản phẩm (tăng giá khoảng 5%), nên tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không lớn.

Từ đó, VCCI đề nghị có đánh giá kỹ hơn về tác động, biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp của chính sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

“Chính sách mới được ban hành cần phải dựa trên đánh giá tác động kỹ lưỡng về hiệu quả và chi phí của từng giải pháp đối với kinh tế, xã hội, môi trường kinh doanh và sự tồn tại, phát triển của các ngành liên quan”, đại diện VCCI phát biểu.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-nhac-ky-3-phuong-dien-khi-danh-thue-do-uong-co-duong-post391114.html