Cân nhắc kỹ trước khi 'nhảy việc'!
Theo ghi nhận của tổ chức Công đoàn và cơ quan chức năng, đầu năm nay, thị trường lao động tương đối ổn định. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp người lao động có ý định 'nhảy việc', chuyển việc. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường lao động vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro thì 'nhảy việc', chuyển việc là điều người lao động cần phải cân nhắc kỹ càng.
Nhiều lý do “nhảy việc”, chuyển việc
Đang có việc làm ổn định với mức lương mơ ước tại một tập đoàn vàng bạc đá quý có tiếng, chị Thu Trang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đột ngột xin thôi việc từ đầu tháng 1/2024. “Tuy có thu nhập cao nhưng công việc của tôi rất căng thẳng, áp lực, tôi không còn thời gian dành cho bản thân cũng như gia đình, vì thế tôi muốn tạm nghỉ một thời gian rồi sẽ tìm một công việc khác đỡ áp lực và phù hợp hơn”, chị Thu Trang chia sẻ.
Chị Trang cũng cho biết, hơn 2 tháng từ khi nghỉ việc đến nay, chị kinh doanh online mặt hàng thực phẩm sạch, nhưng công việc và thu nhập khá bấp bênh. “Công việc mới của tôi có vẻ khá khó khăn, nhưng tôi vẫn kiên trì thêm thời gian nữa, hy vọng việc kinh doanh online sẽ ổn định hơn”, chị Trang nói.
Cũng giống như chị Trang, ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chị Nguyễn Thu Huyền (ở huyện Hoài Đức, Hà Nội), đã quyết định nghỉ việc tại một công ty chuyên kinh doanh về thực phẩm chức năng tại quận Thanh Xuân. Chị Huyền giải thích: “Mặc dù biết tìm được công việc mới không dễ, nhưng thời gian gần đây, công ty tôi bán hàng khó khăn, thu nhập giảm, nhà tôi lại ở xa, mất nhiều thời gian và chi phí cho việc đi lại nên tôi xin nghỉ rồi tìm kiếm công việc gần nhà cho thuận tiện”.
Còn anh Nguyễn Văn Tuấn - công nhân một Công ty Xây dựng cũng cho biết, anh vừa xin thôi việc để ở nhà chạy grab do công ty ít việc, nợ lương mấy tháng nay khiến cuộc sống của anh hết sức khó khăn.
Kém may mắn hơn những trường hợp kể trên, có những người lao động do không cân nhắc kỹ càng trước khi thôi việc đã sập phải bẫy lừa tuyển dụng như trường hợp chị Nguyễn Thị Hồng Ánh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Vốn là nhân viên một công ty giao hàng nhanh, khi đọc được thông tin trên mạng xã hội cần tuyển nhân viên bán xăng dầu với mức lương hấp dẫn, chị đã xin thôi công việc đang làm để tìm công việc mới.
“Công việc giao hàng rất vất vả, nhất là với phụ nữ vì thường xuyên phải di chuyển trên đường, trong mọi điều kiện thời tiết, từ nắng nóng đến mưa rét, chưa kể có khi giao hàng cồng kềnh, dễ vỡ, sơ sểnh là không đủ tiền đền. Tôi muốn chuyển sang bán xăng dầu cho đỡ phải chạy nhiều”, chị Ánh nói.
“Khi đến địa chỉ theo thông báo tuyển dụng tại phố Kim Đồng (quận Hoàng Mai), tôi không tìm thấy trụ sở công ty. Tôi gọi theo số điện thoại trên mạng thắc mắc về việc này thì nhận được giải thích, đó là nơi nhận hồ sơ, tôi phải đóng 250.000 đồng tiền học kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. Nhân viên này hẹn tôi đến kiểm tra kiến thức sau 1 tuần. Tuy nhiên, dù làm bài tốt tôi vẫn bị đánh trượt. Tôi hỏi một số người cùng nộp hồ sơ thì mới biết, ai cũng trượt. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa và tại đây có tình trạng mạo danh tên công ty uy tín để thu tiền tuyển dụng”, chị Ánh kể.
Cần cân nhắc kỹ càng
Chuyển việc, “nhảy việc” để tìm cơ hội tốt hơn cho mình là tâm lý hết sức bình thường của người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, để duy trì một việc làm ổn định đã khó, tìm được việc làm mới còn khó khăn hơn nhiều. Thực tế, có những doanh nghiệp đã ghi nhận tình trạng người lao động xin nghỉ việc sau một thời gian lại quay về xin đi làm trở lại.
Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nhất định, vì thế, thị trường lao động cũng bị tác động, nhiều người lao động phải ngừng việc hoặc mất việc, phải làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, chỉ trong tháng 2/2024, cơ quan chức năng đã tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 4.757 trường hợp, số tiền được hỗ trợ là 161,9 tỷ đồng và trong 2 tháng đầu năm, Sở đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 9.991 người.
Ngoài ra, qua ghi nhận từ các phiên giao dịch việc làm được tổ chức từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, có một thực tế là nhu cầu tìm việc làm của người lao động luôn rất lớn, trong khi nguồn cung dồi dào, nên các nhà tuyển dụng có xu hướng lựa chọn nhân sự trình độ cao nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc.
Do đó, người lao động cần chắt chiu cơ hội việc làm mới và thận trọng khi chuyển việc làm; đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ các điều kiện về bằng cấp, kinh nghiệm cũng như thu nhập, mức độ ổn định của công việc trước khi đưa ra quyết định thay đổi.
Ở góc độ cơ quan chức năng đồng hành với người lao động, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho hay, trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố đã có 8.991 người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, 109 người được hỗ trợ học nghề với số tiền hỗ trợ học nghề là 437,2 triệu đồng. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người lao động tìm được công việc phù hợp năng lực, trình độ và nhu cầu bản thân. Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động bị mất việc, ngừng việc.
Cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc tìm các giải pháp tạo cơ hội việc làm, người lao động cần cân nhắc hết sức kỹ càng khi quyết định chuyển việc, “nhảy việc”, tránh để rơi vào tình trạng thất nghiệp mà khó tìm được việc mới, khiến cuộc sống khó khăn.
Ông Trần Đình Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Halas Việt Nam chia sẻ, Công ty từng có trường hợp người lao động sau Tết xin thôi việc, nhưng chỉ sau một thời gian lại xin trở lại làm việc vì chưa tìm được công việc tốt hơn.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-nhac-ky-truoc-khi-nhay-viec-167416.html