Cân nhắc kỹ với dự án trên 10.000 tỷ đồng

Đối với dự án chưa hoàn thành quyết định chủ trương đầu tư, việc giao ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn cần cân nhắc kỹ với dự án trên 10.000 tỷ đồng.

Đây là ý kiến được nêu ra tại phiên thảo luận tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) về dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, diễn ra sáng 16.1.2024.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ sáng 16.1. Ảnh: V. Thủy

Các đại biểu Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ sáng 16.1. Ảnh: V. Thủy

Phải có cơ chế giám sát khi ủy quyền

Cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách “khá đầy đủ, bảo đảm tính khách quan”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đồng tình với nội dung thẩm tra, đồng ý cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, trong đó có 33.156 tỷ đồng cho 33 dự án đã hoàn thành chủ trương đầu tư nhưng chưa có đầy đủ quyết định đầu tư (thường quyết định này phải chờ 6 – 8 tháng) và 30.568 tỷ đồng dự kiến bố trí cho 17 dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định.

“Để có cuộc thảo luận hôm nay, trước đó Chính phủ đã có tờ trình ngày 21.9.2023, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét rồi mới ra Nghị quyết vào ngày 15.11.2023, trên cơ sở đó Thủ tướng mới có văn bản yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án này (từ đầu tháng 12.2023) Thời gian rất cận kề song tôi rất chia sẻ với điều này”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu, lý giải cho việc ủng hộ dự thảo Nghị quyết.

Phân tích rõ hơn, đại biểu cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, bối cảnh chung thế giới không được thuận lợi, đầy thách thức. Trong nước, 2/3 động lực chính là xuất khẩu và tiêu dùng tiếp tục khó khăn, chỉ còn động lực là đầu tư (trong đó đầu tư tư khó khăn, đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng, chỉ còn đầu tư công). Vì thế, “chúng ta cần phải tạo điều kiện tối đa để tăng đầu tư công”.

“Cũng có ý kiến lo ngại tăng đầu tư công sẽ ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, song 10 năm qua chúng ta vẫn giữ được ổn định, lạm phát dưới 4%, nợ công hiện chỉ 37% GDP. Điều đó cho phép chúng ta có thể linh hoạt mở rộng đầu tư công”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, số vốn còn lại là 30.568 tỷ đồng dự kiến bố trí cho 17 dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định. Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho từng dự án theo đúng quy định của pháp luật.

ĐBQH Trần Anh Tuấn bày tỏ “lấn cấn” với quy định này. Theo đại biểu, nếu ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải làm rõ thủ tục ủy quyền như thế nào, bởi ở đây vừa chưa đủ điều kiện về chủ trương mà lại giao luôn kế hoạch vốn cho 2024 – 2025. Trong khi theo quy định, Quốc hội quyết khi đủ điều kiện mới phân bổ vốn, tức dự án phải có chủ trương đầu tư.

“Quy định của pháp luật chưa có nên nếu giao hết cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải có cơ chế giám sát kỹ. Nếu không, khi có việc gì xảy ra lại đẩy ngược lên Quốc hội”, đại biểu Tuấn đề nghị.

Cũng theo đại biểu, trong số 17 dự án chưa hoàn thành quyết định chủ trương, có một dự án thuộc dự án quan trọng quốc gia là tuyến giao thông Đắk Lắk - Chơn Thành vượt 10.000 tỷ đồng, mà theo Luật Đầu tư công phải thông qua Quốc hội. Do đó, cần xem xét kỹ, rằng với dự án không thuộc thẩm quyền của Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn khi chưa có quyết định, còn dự án nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải trình riêng.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đồng tình với ý kiến trên, và cho rằng cần hết sức thận trọng với những dự án trên 10.000 tỷ đồng, xem có nên ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội với dự án này hay sẽ tách riêng để cho ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội tới.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh:V. Thủy

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh:V. Thủy

Đánh giá kỹ dự án cấp điện ra Côn Đảo

Liên quan đến việc phân bổ 2.526 tỷ đồng trong tổng số vốn 37.303 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đa số đại biểu phát biểu ý kiến đồng tình.

Theo ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết, quyết định này là rất cần thiết, vì vừa phục vụ quốc phòng, dân sinh lẫn du lịch. Về phương án đầu tư, đại biểu đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Việc giao vốn cho cơ quan nào cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Theo quy định, phân bổ cho cơ quan nào thì cấp cho cơ quan đó rồi tiến hành theo đúng quy định.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân chỉ rõ, đây không phải là cấp cho EVN mà là cấp để làm dự án cấp điện cho Côn Đảo. Tuy nhiên, phải làm rõ số vốn 37.303 tỷ đồng lấy từ đâu.

Còn theo ĐBQH Nguyễn Minh Đức, khi triển khai dự án này cần đánh giá kỹ, vì giữa đất liền ra đảo còn liên quan hệ thống đường trên biển. Việc đánh giá kỹ để bố trí vốn cho sát, tránh đánh giá không đầy đủ dẫn đến đội vốn, kéo dài, chậm tiến độ dự án.

Vũ Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/-can-nhac-ky-voi-du-an-tren-10-000-ty-dong-i357653/