Cân nhắc lựa chọn công nghệ tiên tiến, đảm bảo môi trường
Để có đủ điện phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nguồn điện đã được khai thác triệt để. Tuy nhiên, hiện các nguồn năng lượng đã dần cạn kiệt, sản lượng không ổn định, khó đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nhiệt điện than (NĐT) là xu hướng tất yếu trong khi đó, dư luận vẫn lo ngại rằng, NĐT đã gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vậy có nên đánh đổi môi trường để lấy NĐT?
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có mục tiêu: Cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giá cả hợp lý, sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng sơ cấp cũng như bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Cụ thể, điện thương phẩm vào năm 2020 sẽ là 235-245 tỷ kWh, đến năm 2030 sẽ là 506-559 tỷ kWh; Điện sản xuất và nhập khẩu năm 2020 là 265-278kWh, năm 2030 sẽ là 572-632 tỷ kWh. Hiện nay, chúng ta có 6 nguồn điện chính, gồm: thủy điện, điện hạt nhân, điện nhập khẩu, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo và NĐT.
“Thế nhưng, thủy điện lớn chúng ta đã khai thác hết; điện hạt nhân thì Quốc hội thống nhất cho dừng thực hiện, lùi thời hạn xây dựng; điện khí thì giá thành đắt hơn gấp 2 lần so NĐT; điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) thì phụ thuộc vào thời tiết, cần có nguồn điện dự trữ khi tắt nắng, tắt gió.
Do vậy, nguồn duy nhất đáp ứng tốt nhu cầu điện năng chính là NĐT. Nếu không phát triển NĐT thì sẽ dẫn tới thiếu điện trầm trọng, thậm chí phải cắt điện”, PGS. TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội KHKT Nhiệt Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển NĐT thải ra rất nhiều chất nguy hại, sẽ gây tác động xấu, ảnh hưởng đến môi trường. PGS. TS Trương Duy Nghĩa cho rằng, NĐT là loại nhà máy có công nghệ xử lý môi trường tốt nhất và tốn kém nhất trong các loại nhà máy công nghiệp sử dụng than và luôn đạt các quy chuẩn quản lý môi trường của quốc gia.
Ngoài ra, NĐT còn có những ưu điểm, đó là giá thành sản xuất thấp (chỉ sau thủy điện), chi phí vận hành, sửa chữa chỉ bằng 50% nhiệt điện khí, và có sản lượng điện lớn. Chính vì thế, trong khi các nguồn điện khác không thể đáp ứng nhu cầu, thì NĐT vẫn là nguồn phát điện hợp lý nhất, hiệu quả nhất để đáp ứng nhu cầu điện năng rất lớn của đất nước.
NĐT hiện vẫn đang là nguồn phát điện chủ yếu của thế giới. Ở Việt Nam, tới năm 2010 NĐT vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp (17,6%, trong khi thủy điện 27,6%, nhiệt điện khí 48,9%). Tới năm 2015, than khai thác được đủ để sản xuất điện và xuất khẩu, giá than cho điện không còn bao cấp. Nhưng tới năm 2018 đã bắt đầu thiếu than, phải nhập khẩu.
TS Trần Trọng Quyết – Hội điện lực Miền Nam (SEEA) cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhu cầu điện tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2030 bình quân khoảng 9-10%/năm, gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng GDP.
Nhưng, các nguồn năng lượng chúng ta đang có không đáp ứng đủ nhu cầu thì để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chiến lược phát triển các nhà máy NĐT là tất yếu.
Tuy nhiên, để hạn chế những mặt trái của NĐT (như ảnh hưởng xấu đến môi trường) giải pháp thông minh, hợp tình, hợp lý nhất trong 15-20 năm tới, Việt Nam phải tiếp tục xây dựng những nhà máy NĐT với công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất có thể.
Đánh giá về tình hình điện cung cấp, ông Lê Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết từ năm 2016 đến nay, ngành điện đảm bảo cung cấp đủ điện, không xảy ra sự cố nào về môi trường do các dự án điện gây nên. Riêng nguồn NĐT vẫn đảm bảo giá cả hợp lý, có vai trò quan trọng trong việc cung ứng điện.
Đến năm 2030, lượng điện năng sản xuất của NĐT chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện của hệ thống. Tuy nhiên, một số dự án NĐT không phát triển được theo quy hoạch sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện. Các nguồn thay thế là nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo sẽ tác động đáng kể trong việc làm tăng giá điện.
Vì vậy, giải pháp đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn 2020-2030 ổn định, phù hợp cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phải phát triển tất cả các nguồn điện. Đồng thời, NĐT vẫn là giải pháp cơ bản đảm bảo cung cấp điện với chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập của người dân.
Để đảm bảo phát triển các dự án NĐT theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần kiên định trong việc triển khai thực hiện quy hoạch. Các địa phương và nguời dân cần ủng hộ để thực hiện quy hoạch và xây dựng các dự án NĐT. Các chủ đầu tư, nhà máy NĐT phải tuyệt đối tuân thủ quy định về môi trường.
“Chúng tôi cho rằng, đến năm 2030 và nhiều năm tiếp theo cần đa dạng hóa các loại nguồn phát điện. Nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh NĐT vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện mới đảm bảo cung cấp đủ điện với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế xã hội đất nước”, ông Lực nhận định.