Cân nhắc quy định phong tỏa tài khoản khi phát hiện chuyển nhầm
Dự thảo nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đang đưa ra lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đã bổ sung thêm nhiều quy định mới, trong đó cho phép ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản người nhận trong trường hợp người chuyển nhầm, qua đó giúp người chuyển lấy lại được tiền.
Cụ thể, tài khoản có thể bị phong tỏa trong các trường hợp như tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có thể phong tỏa tài khoản khi phát hiện có nhầm lẫn, sai sót. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Theo lý giải từ NHNN, quy định này nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác. Ngoài ra, tài khoản cũng sẽ bị phong tỏa khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung, hoặc khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Quy định mà NHNN đưa ra trong dự thảo là một vấn đề thiết thực bởi trong thực tế, việc chuyển nhầm tài khoản vẫn thường xuyên diễn ra. Song hiện nay, rất nhiều các chủ tài khoản ghi “Có bị chuyển nhầm” lại đang trở thành “nạn nhân”.
Chị C. (Hà Nội) kể về rắc rối của bố chị khi bị “tiền trên trời rơi xuống”, tự nhiên điện thoại báo tin nhắn có một khoản tiền hơn 300 triệu được chuyển vào tài khoản. Bố chị C. chưa hiểu ra sao, 3 phút sau, ông lại thấy tin nhắn báo là đã trừ hơn 300 triệu đó. Việc chưa phân đúng sai, thì khách hàng lại nhận được điện thoại từ phía ngân hàng, bắt phải đến ngân hàng để ký giấy chuyển trả lại tiền do họ chuyển nhầm vào tài khoản gây phiền phức.
Bình luận về câu chuyện này, Luật sư Trương Thanh Đức tỏ thái độ rất bất bình với cách hành xử của ngân hàng. Bởi vậy, khi góp ý cho dự thảo về các trường hợp mà ngân hàng được phong tỏa tài khoản, ông Đức cho rằng phải hết sức cẩn trọng để tránh tình trạng bị lợi dụng, gây rủi ro rất lớn cho các bên liên quan.
Chẳng hạn, bên thanh toán đã chuyển tiền thành công, bên bán hàng hoàn toàn tin tưởng giao hàng nhưng sau đó bất cứ khi nào cũng có thể bị phong tỏa tài khoản và không nhận được tiền.
Cũng theo vị luật sư này, nên bỏ quy định này hoặc nếu có thì diễn giải một cách cụ thể, để bảo vệ được bên này nhưng đồng thời tránh rủi ro cho bên kia. Nhất là về nguyên tắc, việc rủi ro khi chuyển tiền nhầm lẫn thì đã có quy định khác của pháp luật xử lý, ví dụ như các quy định của pháp luật dân sự, hành chính và hình sự.