Cân nhắc việc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu cho rằng, cần cân nhắc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm, bởi công chứng giao dịch không đúng sẽ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người thứ 3 mà không chỉ với người yêu cầu công chứng.

Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sáng 25/6. Ảnh: Quốc hội

Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sáng 25/6. Ảnh: Quốc hội

Cân nhắc việc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên

Sáng 25/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Góp ý về quyền và nghĩa vụ công chứng viên tại Điều 16, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhận thấy, quy định này trùng với nội dung tại khoản 4 Điều 4 của dự thảo Luật, do đó cần cân nhắc việc lặp lại quy định này. Đồng thời nếu giữ nguyên quy định này tại điểm k thì cần cân nhắc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm, bởi công chứng giao dịch không đúng sẽ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người thứ 3 mà không chỉ với người yêu cầu công chứng.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quốc hội

Về việc công chứng viên rút vốn khỏi Văn phòng công chứng (khoản 2 Điều 26), đại biểu cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến làm mất quyền của các công chứng viên hợp danh về rút vốn khỏi Văn phòng công chứng khi mà Văn phòng chỉ còn dưới 4 công chứng viên. Vì vậy, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này để bảo đảm quyền được rút vốn bình đẳng, công bằng của các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng…

Nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng như Tờ trình và báo cáo Thẩm tra, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang góp ý về quy định công chứng bản dịch, đại biểu đề nghị rà soát quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính xác thực và hợp pháp của nội dung bản dịch.

Về đào tạo nghề công chứng, Điều 9 dự thảo luật quy định thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng, trừ những đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 9, thì được giảm 1/2 thời gian đào tạo là 6 tháng. So với quy định của Luật Công chứng hiện hành, dự thảo luật cũng đã bỏ quy định về một số đối tượng nhất định được miễn đào tạo nghề công chứng và phải tham gia dự khóa bồi dưỡng nghề công chứng. Đại biểu cơ bản nhất trí với quy định này, tuy nhiên đối với nhóm đối tượng được giảm 1/2 thời gian đào tạo, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đối với việc xác định đối tượng này để vừa đáp ứng nhu cầu được hành nghề công chứng phù hợp với năng lực kinh nghiệm mà họ đã được tích lũy, nhưng vẫn phải bảo đảm nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quốc hội

Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng là công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp tại Sở Tư pháp, công chức phòng tư pháp, công chức tư pháp hộ tịch cấp xã có thời gian công tác từ 5 năm liên tục trở lên. Bởi những chủ thể này không chỉ đáp ứng được trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mà còn có cả kỹ năng, kinh nghiệm về hoạt động công chứng.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại Điều 72, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của quy định này để xác định có hay không việc tiếp tục quy định nội dung này trong luật. Theo đại biểu, nên quy định theo hướng không quy định như nội dung tại dự thảo luật; đồng thời đề nghị bổ sung vào Điều 20 về điều kiện thành lập văn phòng công chứng là phải đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của Chính phủ.

Đề nghị bỏ quy định nghiêm cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng

Tiếp tục quan tâm đến hành vi nghiêm cấm về quảng cáo, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về quy định này.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận trình bày, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 7 của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) kế thừa các quy định của Luật Công chứng hiện hành như nghiêm cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức của mình.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu thấy rằng, các hành vi bị nghiêm cấm về quảng cáo đã được pháp luật về quảng cáo đã quy định. Nội dung nghiêm cấm như dự thảo Luật làm hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cũng như là quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công chứng viên và tổ chức thành người công chứng cũng như các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu khác, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quy định như này là hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên. Đại biểu đề nghị bỏ quy định này.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-nhac-viec-bo-sung-pham-vi-chiu-trach-nhiem-cua-cong-chung-vien-385466.html