Cân nhắc việc cải cách tiền lương dựa trên các điều kiện về nguồn lực

Sáng 29-6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh họp báo. Ảnh: Phạm Thắng

Quang cảnh họp báo. Ảnh: Phạm Thắng

Thông tin tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, sau 27,5 ngày làm việc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: Xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong thông tin tại họp báo. Ảnh: Phạm Thắng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong thông tin tại họp báo. Ảnh: Phạm Thắng

Lý giải việc Quốc hội thống nhất tăng lương cơ sở 30% nhưng chỉ tăng lương hưu 15% từ 1-7-2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, lương hưu được điều chỉnh dựa trên việc tăng chỉ số CPI nhiều năm qua.

\“CPI tăng nhiều lần cùng với mức lương của người hưởng lương hưu. Số đó nếu cộng lại chỉ tăng 11,5%, tức đã ngang bằng với mức tăng 30% đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng do những người hưởng lương hưu đời sống còn khó khăn nên Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc chuyển lên tăng 15%. Chính vì thế, nếu cộng dồn các chỉ số CPI, mức lương hưu thực tế sẽ tăng hơn 30%”, ông Phong giải thích.

Liên quan việc tiếp tục phải lùi cải cách tiền lương toàn diện lần thứ 3, ông Phong cho biết, Nghị quyết kỳ họp đã nêu rõ: Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương.

Theo ông Phong, thực hiện cải cách tiền lương mới cần dựa trên việc xây dựng được vị trí việc làm và mức lương phù hợp. Tuy nhiên, đây là cả quá trình lâu dài, trong khi việc xác định vị trí việc làm hiện vẫn chưa đồng bộ, chưa đồng nhất giữa các bộ, ngành, địa phương dù cùng lĩnh vực, hay như trong lực lượng vũ trang cũng còn nhiều vấn đề cần xác định rõ liên quan cải cách tiền lương…

“Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã nhất trí trình phương án “chậm dần” để cho phép Chính phủ có thêm thời gian rà soát, tính toán thật kỹ, dưới công thức xác định vị trí việc làm dựa trên tinh giản biên chế, từ đó có cơ sở để tính hệ số lương, mức lương… cho hợp lý”, ông Đặng Thuần Phong nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần rà soát tổng thể để có sự thống nhất liên quan quản lý nhà nước về tiền lương, từ đó có giải pháp hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần cân nhắc cải cách tiền lương kỹ càng dựa trên các điều kiện về nguồn lực, nhất là cho giai đoạn sau 2026 bởi hiện vẫn chưa dự báo được nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương cho giai đoạn này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy trả lời báo chí tại họp báo. Ảnh: Phạm Thắng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy trả lời báo chí tại họp báo. Ảnh: Phạm Thắng

Về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhận định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc sửa đổi Luật là vấn đề cần quan tâm thực hiện ngay. Tuy nhiên công tác xây dựng Luật phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết khi nào Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng hồ sơ dự án Luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét để bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh gần nhất.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-nhac-viec-cai-cach-tien-luong-dua-tren-cac-dieu-kien-ve-nguon-luc-670671.html